Giảm lãi vay nhưng đừng tăng điều kiện vay
Nhiều ngân hàng đã đồng thuận với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước kêu gọi giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay giảm lãi suất này, tránh tình trạng nêu chủ trương giảm lãi nhưng lại tăng thêm điều kiện vay.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết đã họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để thống nhất phương thức và thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Hội đồng sẽ bàn để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 - 2,5%. Tính trung bình, lãi suất cho vay của Ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho hay, trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví dụ như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).
Còn theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng này sẽ giảm lãi suất song chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn. “Sacombank có khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang kinh doanh rất có lãi. Những khách hàng như vậy không nên hỗ trợ lãi suất”, ông Tuệ chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ của ngành ngân hàng đối với những khó khăn của doanh nghiệp. Các ngân hàng đã thống nhất, việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm phù hợp, thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ theo sát diễn biến thị trường, lắng nghe các ý kiến phản hồi, sẵn sàng can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
“Quy mô và năng lực mỗi ngân hàng là khác nhau nên mức độ hỗ trợ là không giống nhau. Chúng tôi muốn nhìn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất", ông Hà nói.
Từ phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vừa nhận được văn bản của nhiều ngân hàng thương mại về chủ trương giảm lãi suất cho vay. Đây là nỗ lực và sự sẻ chia của ngành ngân hàng với doanh nghiệp trong giai đoạn diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp.
Theo ông Quốc Anh, doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ thực chất từ chủ trương này. Điều đáng ngại nhất là ngân hàng công bố giảm lãi vay nhưng có khi lại tăng thêm điều kiện khi xét duyệt hồ sơ vay. Điều này là không nên, khi đã áp dụng chủ trương giảm lãi vay thì không nên tăng điều kiện vay, nếu không thì doanh nghiệp có muốn cũng không tiếp cận được các gói vay giảm lãi suất như vậy. Ngoài ra, hiện nay, một trong những yêu cầu gây khó cho doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng là yêu cầu tài sản thế chấp, để tạo điều kiện hơn thì có thể xem xét cho phép vay tín chấp với dự án kinh doanh khả thi.
Ở khía cạnh khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc hỗ trợ giảm lãi vay cần bảo đảm nguyên tắc có trọng tâm, đúng đối tượng thực sự khó khăn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, việc giảm lãi vay cần bảo đảm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và ngân hàng. Mặt khác, khi lãi vay ở mức thấp cần có các công cụ kiểm soát để ngăn nguy cơ tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời, cần phải tính đến các cân đối vĩ mô, trong đó lưu ý rủi ro lạm phát gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận