Giảm giá đất giữa cơn “sốt ảo”
Động thái “mạnh tay” giảm giá đất trong bối cảnh nhiều nơi tăng giá đất đến chóng mặt chứng tỏ sự quyết tâm thu hút đầu tư, biến Đà Nẵng thành một trong những điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư.
Điều chỉnh giảm giá đất
Trong lúc ở nhiều địa phương trong cả nước đang lên “cơn sốt” đất hầm hập. Đặc biệt, tại những địa phương vừa công bố điều chỉnh quy hoạch tổng thể, phê duyệt quy hoạch các dự án lớn... Ngay giữa thời điểm cơn “sốt ảo” đang hoành hành, mới đây TP. Đà Nẵng lại công bố điều chỉnh giá đất theo hướng giảm xuống, điều này đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, thực tế việc điều chỉnh bảng giá đất theo hướng giảm giá của Đà Nẵng đã phản ánh đúng thực tế thị trường cũng như phù hợp với hoàn cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND điều chỉnh bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 (có hiệu lực từ ngày 8/4/2021). Theo đó, điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại, dịch vụ và sản xuất, kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí. Cụ thể, điều chỉnh giảm giá đất thương mại, dịch vụ từ 80% còn 70% (giảm 10% so với hiện nay); giảm giá đất sản xuất, kinh doanh từ 60% xuống còn 50% (giảm 10% so với hiện nay).
Cũng trong dịp này, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã công bố Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn. Trong đó, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 cơ bản tương đương bảng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020, chỉ điều chỉnh giảm 109 vị trí, tuyến đường cho phù hợp với các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực. Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất trên địa bàn thành phố. Trong đó, tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm trên địa bàn điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1%. Tỷ lệ % áp dụng đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%.
Bên cạnh các quyết định về giảm giá đất, thuê đất... Đà Nẵng còn có quy định giá đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh bãi đỗ xe được tính bằng 35% giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất thương mại dịch vụ) cùng vị trí, thời hạn 70 năm. Lý giải điều này, theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, các dự án xây dựng bãi đỗ xe thông thường có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp, giá trị thu lợi từ việc kinh doanh thấp dẫn đến việc thu hồi vốn đầu tư xây dựng chậm. Do đó, nếu quy định mức giá bằng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì không thể kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với bãi đỗ xe ô tô theo chủ trương của chính quyền thành phố.
Phục hồi sản xuất kinh doanh
Ngay sau khi, Đà Nẵng công bố các quyết định giảm giá đất đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận, đặc biệt từ cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo nhiều người, việc điều chỉnh theo xu hướng giảm của thành phố sẽ góp phần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư... vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.
Ở chiều ngược lại với việc Đà Nẵng công bố giảm giá đất cũng sẽ khiến nhiều “cò đất”, các đối tượng đang cố tình gây cơn “sốt ảo” “méo mặt”, làm ăn sẽ khó khăn hơn. Người dân cũng cảnh giác hơn với các thông tin không chính thống. Liên quan đến việc thổi giá đất, ngày 2/4/20201 Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã phải có thông tin báo chí về “giá đất nền Đà Nẵng tăng” tạo dư luận không tốt và khiến các nhà đầu tư băn khoăn. Theo đó, để chứng minh được giao dịch thành công thì giao dịch đó phải thông qua hợp đồng công chứng chứng thực. Các thủ tục này do các văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất xác nhận thì mới kết luận được giao dịch đó là thành công.
Quay trở lại với câu chuyện giảm giá đất, theo ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trên tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Qua đó, xác lập định hướng phát triển không gian đô thị trong thời gian tới theo hướng từ đơn tâm thành phát triển đa cực, thành phố xanh và bền vững, phát triển mô hình đô thị nén gắn với bảo tồn di sản đô thị... Để thực hiện được mục tiêu này, cũng theo ông Lê Quang Nam, thời gian qua địa phương đã tập trung khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để đưa nguồn lực đất đai trở thành động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, việc điều chỉnh giá đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế hiện nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, vận tải, thương mại... đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu giảm sút, thậm chí nguy cơ phải phá sản. Trong khi, vẫn phải nộp tiền thuê đất theo quy định. Sau khi có bảng giá đất mới, các doanh nghiệp đang thuê đất sẽ được giảm khá nhiều tiền thuê đất hàng năm thông qua việc giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất và tiền giảm từ bảng giá đất dành riêng cho đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được giảm tiền thuế sử dụng đất hàng năm thông qua việc giảm giá đối với bảng giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, việc giảm giá đất của Đà Nẵng còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa phương. Động thái “mạnh tay” giảm giá đất trong bối cảnh nhiều nơi tăng giá đất đến chóng mặt chứng tỏ sự quyết tâm thu hút đầu tư, biến Đà Nẵng thành một trong những điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư. Được biết, hiện Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố đang quản lý 321 khu đất lớn đã có mặt bằng với tổng diện tích hơn 2 triệu m2. Thành phố đang xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận