Giám đốc Chiến lược VPBankS: ‘Thời kỳ tiền rẻ chưa đến’
Thời kỳ tiền rẻ chưa đến nhưng TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn uptrend, động lực đến từ triển vọng nâng hạng thị trường và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi.
Từ giữa năm 2023 đến nay, để thúc đẩy kinh tế phát triển mặt bằng lãi suất điều hành liên tục giảm, kéo theo lãi suất huy động và cho vay giảm. Hiện nay, lãi suất điều hành đã thấp hơn thời điểm trước dịch (2019) khoảng 2%.
Dù vậy, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS nhận định chưa phải giai đoạn tiền rẻ tại Hội thảo "Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc", do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 5/3.
Ông Sơn bày tỏ trong giai đoạn hiện tại, lãi suất điều hành, lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay thực tế chưa thực sự thấp. Tăng trưởng tín dụng cao vào cuối năm trước nhưng mang tính kỹ thuật nhiều hơn, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp chưa cao. Mặt khác, trên thế giới Fed vẫn neo lãi suất ở mức cao trên đỉnh lịch sử.
"Để xác định giai đoạn tiền rẻ cần quan sát động thái của Fed, khi nào sẽ giảm và giảm bao nhiêu. Nhiều chuyên gia kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 năm nay nhưng thực tế không diễn ra, cho thấy có độ trễ nhất định", ông Sơn nói.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam khó có thể hạ sâu hơn nữa lãi suất điều hành thời gian tới. Nguyên nhân là khoảng cách giữa lãi suất của Việt Nam với Mỹ đã rất cao, nếu hạ thêm sẽ gây áp lực lớn đến tỷ giá. Ông Sơn cho rằng việc duy trì lãi suất thấp hiện nay đã là điểm tích cực.
Nhóm ngành tiêu điểm ngân hàng, chứng khoán, thép
Không phải giai đoạn tiền rẻ nhưng chuyên gia đến từ VPBanks nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở giai đoạn uptrend mới. Động lực đến từ cả 2 phương diện quốc tế và trong nước.
Với quốc tế, nếu như đầu năm 2023 lo ngại kinh tế thế giới suy thoái thì hiện nay cho thấy không xảy ra. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ các ngân hàng nhỏ của Fed đưa ra để chống sụp đổ hệ thống từ tháng 3/2023 đã giúp TTCK Mỹ tạo đáy và bắt đầu đi lên. Cộng thêm sự dẫn dắt của nhóm công nghệ trước xu hướng đầu tư AI, Fed dừng tăng lãi suất và sẽ sớm hạ. Điều này cũng được lan tỏa đến TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Với trong nước, Ngân hàng nhà nước triển khai chính sách nới lỏng sớm so với nhiều nước. Lãi suất giảm từ tháng 4/2023 đến nay giúp chi phí vốn của doanh nghiệp sớm giảm và tín dụng đẩy mạnh vào nền kinh tế.
Về mặt chính sách, quyết tâm nâng hạng quyết liệt của Chính phủ làm cho nhà đầu tư thêm niềm tin vào TTCK. Ông Sơn dẫn chứng các TTCK khác khi nâng hạng thành công, các chỉ số chính tăng khoảng 20 - 30% trong 2 năm trước khi được nâng hạng.
Hệ thống công nghệ thông tin mới KRX đang bước vào giai đoạn chuyển đổi dữ liệu, chạy thử và sẽ sớm đi vào vận hành chính thức. Chuyên gia đến từ VPBankS bày tỏ hệ thống mới đi vào vận hành sẽ giúp TTCK tăng tốc độ giao dịch, những sản phẩm được kỳ vọng như bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày được triển khai, đa dạng sản phẩm phái sinh…
"Nhìn lại, mỗi lần hệ thống giao dịch có sự thay đổi như kéo dài thời gian giao dịch, đưa thêm chứng khoán phái sinh thì thanh khoản thị trường cùng các chỉ số đều có sự bùng nổ", ông Sơn nói.
Yếu tố cuối cùng là lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết hầu hết đã tạo đáy vào quý III/2023 và bắt đầu phục hồi, áp lực trái phiếu cũng đã giảm bớt trong năm 2024.
Nhìn chung, ông Sơn đánh giá con sóng nâng hạng thị trường là con sóng lớn và dài hạn, VN-Index có thể vượt cả mốc đỉnh trên 1.500 điểm năm 2022. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có thể có 1 đến 2 con sóng điều chỉnh do TTCK thế giới đã có chuỗi tăng 8 tháng liên tiếp và Việt Nam đã tăng 4 tháng liên tiếp. Đồng thời, một số nhóm ngành như chứng khoán, thép đã phục hồi sớm và cần điều chỉnh để đi lên bền vững.
Giám đốc Chiến lược VPBankS lưu ý nhà đầu tư chú ý các mốc kháng cự như 1.326 cho đến 1.350 để có chiến lược giao dịch hợp lý để tránh mất niềm tin vào TTCK trong ngắn hạn. Ngược lại, mốc 1.160 – 1.200 là vị thế mua mới sau nhịp điều chỉnh.
Về nhóm ngành tiêu điểm năm nay, ông Sơn cho rằng ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn dắt chính cho TTCK do vốn hóa lớn, hút dòng tiền. Nhóm chứng khoán luôn là ngành được yêu thích vì câu chuyện phục hồi lợi nhuận, nâng hạng. Nhóm xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng như thép cũng đáng chú ý do có sự phục hồi tốt và động lực thúc đẩy đầu tư công. Nhóm bất động sản khu công nghiệp đón dòng FDI chuyển dịch từ Trung Quốc, giá thuê tăng, hạ tầng cải thiện.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính chất dẫn dắt thị trường bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong năm 2023 như SAB, VNM, MWG, GAS,… có thể gây chú ý năm nay. Nguyên nhân là Fed được dự báo bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm giúp dòng vốn nước ngoài quay trở lại và có thể giải ngân vào nhóm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận