menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hướng

Giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trọng tâm thời gian tới tập trung giải quyết nợ xấu do dịch Covid-19 để lại; đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng lên cho DN phục hồi, kể cả khu vực dịch vụ cũng như nông nghiệp, công nghiệp.

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm 2020 cũng là thời gian để toàn ngành Ngân hàng hoàn thành Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058). Đến thời điểm này, Đề án 1058 đã triển khai như thế nào, kết quả ra sao? Đại dịch Covid-19 đặt ra những khó khăn, thách thức nào đối với giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo của hệ thống các TCTD?

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia xung quanh vấn đề này.

Theo ông tiến trình tái cơ cấu trong giai đoạn 2016-2020 của hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Tôi cho rằng, có 4 thành tựu nổi bật mà hệ thống ngân hàng đã đạt được tại Đề án 1058. Một là, các NHTM có bước phục hồi mạnh mẽ trong 5 năm qua, đặc biệt là phục hồi tài chính, nợ xấu giảm mạnh. Do đó, giúp khả năng sinh lời của ngân hàng tăng. ROA từ 0,6% đạt xấp xỉ 1%; ROE từ 6% lên 12-14%. Nền tảng tài chính của các NHTM đạt mức trung bình tại khu vực Đông Nam. Đây là thành tựu quan trọng khẳng định sức khoẻ của hệ thống ngân hàng Việt Nam hồi phục tốt.

Hai là, vốn tự có đạt được những bước tiến rất quan trọng. Trong 5 năm vừa rồi, vốn tự có của ngân hàng tăng xấp xỉ 40% đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính, đặc biệt là chỉ tiêu CAR. Việc tăng vốn của NHTM linh hoạt hơn không chỉ tăng vốn cấp 1, mà cả vốn cấp 2, tất cả đều theo thông lệ quốc tế. Ngoài vốn cấp 1, cấp 2, một số ngân hàng còn tăng “đệm tài chính” chiếm khoảng 1-2% vốn tự có. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng của Ủy ban Basel II giúp ngân hàng có thêm dư địa tài chính để vượt qua khó khăn khi thị trường có biến động.

Ba là, các NHTM có bước tiến quan trọng về quản trị. Nhiều NHTM thực hiện theo Thông tư 41, tăng trách nhiệm của ban điều hành, giảm sự can thiệp của chủ sở hữu và đặc biệt là quản trị rủi ro được tăng cường. 5 năm vừa qua thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn trong trạng thái ổn định. Sự ổn định đó có được một phần cũng nhờ NHNN đưa ra những chính sách cơ chế chặt chẽ về tín dụng như kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, cho vay BĐS, cho vay chứng khoán, kiểm soát cho vay tiêu dùng... Vì vậy, đã đảm bảo hệ số tiền gửi/cho vay (LDR) khá ổn định, góp phần ổn định thanh khoản hệ thống.

Bốn là, một số ngân hàng đã xây dựng hệ sinh thái số. Trên nền tảng đó, họ đã phát triển sản phẩm ngân hàng mới và nâng cao được chất lượng dịch vụ kể cả thanh toán, cho vay tiêu dùng, dịch vụ bảo hiểm.

Còn hạn chế nào đặt ra trong quá trình thực hiện Đề án 1058 không, thưa ông?

Chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm tàng vẫn khá lớn do tác động của dịch Covid-19 khiến số DN phá sản khá cao, giá trị của TSĐB giảm mạnh. Nợ xấu do các DN không trả được nợ vẫn đang được khoanh, giãn khá lớn. Đây có thể là khó khăn lớn của hệ thống ngân hàng trong trung hạn.

Điểm hạn chế nữa là cho vay người có liên quan dù đã được cải thiện, nhưng chưa được giải quyết triệt để do tồn tại từ nhiều năm. Vì lẽ đó, nợ xấu từ khu vực này trong hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn. Điều này cần phải được tiếp tục xử lý trong thời gian tới, nhất là đối với NHTMCP lớn. Chúng ta không thể làm ngơ, cần có biện pháp để siết chặt, vì đấy là vấn đề quan trọng đảm bảo an toàn của hệ thống.

Mặc dù như trên đã nói, hệ thống công nghệ của các ngân hàng Việt Nam đã có tiến bộ nhất định. Nhưng xét về mặt quản trị, công nghệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn chậm so với các nước trong khu vực. Về quản trị cũng vậy, cần phải xây dựng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, đào tạo bài bản và có sự tách rời rõ ràng giữa ban điều hành và các cổ đông để tạo ra bước tiến bộ vượt bậc nhanh hơn về quản trị, đồng thời giảm thiểu các chi nhánh.

Giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm
Năng lực tài chính của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực

Trước áp lực từ nội tại cũng như từ bên ngoài, theo ông trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn tới đây cần phải tập trung vào những vấn đề gì?

Tôi cho rằng, trọng tâm thời gian tới tập trung giải quyết nợ xấu do dịch Covid-19 để lại; đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng lên cho DN phục hồi, kể cả khu vực dịch vụ cũng như nông nghiệp, công nghiệp. Ngoài xử lý nợ xấu theo quy định hiện hành, theo tôi, cần phải quan tâm đến mở rộng room tín dụng cho ngân hàng đảm bảo điều kiện hệ số CAR, hoặc ngân hàng nào có khả năng phát triển tín dụng an toàn để họ có thể tăng lợi nhuận. Từ đó có thêm nguồn lực tài chính để khoanh, xử lý nợ.

Song song với xử lý nợ, theo tôi có thể xem xét giải pháp xoá nợ. Vì Covid-19 và lũ lụt miền Trung có thể coi là cuộc khủng hoảng lớn, tác động của nó đang ảnh hưởng nặng nề đến DN toàn cầu và Việt Nam. Nhiều nước khi khủng hoảng họ phải xoá nợ đối với trường hợp thực sự không còn khả năng trả nợ để họ có cơ hội tái sinh, tiếp cận công nghệ mới, thay đổi sản phẩm, phục hồi lại...

Một nội dung cần được quan tâm đến là minh bạch hoá các chuẩn mực về quản trị như chuẩn mực về giám sát của HĐQT với ban điều hành và các chuẩn mực về tính độc lập của Ban điều hành về kinh doanh. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng chuẩn mực quản trị rủi ro nguồn vốn, cho vay trung dài hạn… tất cả đều phải minh bạch hoá để có thể hạn chế rủi ro lớn khi thị trường có biến động.

Hiện tại, quan điểm mới trên thế giới là hạn chế phát triển các ngân hàng lớn, và có xu hướng chia nhỏ ngân hàng lớn thành ngân hàng nhỏ chất lượng tốt. Khi thị trường tài chính hỗn loạn, rủi ro tại các ngân hàng lớn vô cùng nguy hiểm. Do vậy, thời gian tới, theo tôi, các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa nên tái cấu trúc, củng cố chất lượng tài sản là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải mở rộng tài sản. Vấn đề thứ ba là tạo điều kiện thuận lợi cho NHTM nhỏ và vừa có điều kiện tăng vốn tự có. Ví dụ như nới lỏng các quy định cổ đông nước ngoài nhỏ, khuyến khích ngân hàng nhỏ Việt Nam lên sàn chứng khoán, mở rộng cơ hội hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua thị trường chứng khoán. Đặc biệt là giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa việc trích lập dự phòng rủi ro và lợi nhuận để lại để tăng vốn...

Cuối cùng, theo tôi, công nghệ ngân hàng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là số hoá. Tất cả dịch vụ ngân hàng từ quản trị đến đào tạo nhân lực, dịch vụ, tín dụng, thanh toán đều phải được số hoá.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại