Giải phóng nguồn lực tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội
Ngành Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, bằng các giải pháp tổng thể với cách tiếp cận mới, tư duy mới, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động giải quyết một cách bài bản, khoa học, từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội. Tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Đặc biệt, ngành đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Chuyển thách thức thành cơ hội
Qua tổng kết đánh giá thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 36-KL/TW về đất đai; Luật Đo đạc và Bản đồ; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đối với lĩnh vực đất đai, quỹ đất từng bước được khai thác hiệu quả hơn, đảm bảo được chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp đạt hơn 42% diện tích tự nhiên; quỹ đất phi nông nghiệp tăng 25 nghìn ha trong giai đoạn 2016 - 2018 phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, nhu cầu nhà ở cho nhân dân. Tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị, lãng phí trong sử dụng quỹ đất của các nông, lâm trường được tập trung giải quyết.
Thu tiền sử dụng đất tăng đều qua các năm, năm 2016 là 77,9 nghìn tỷ, năm 2017 đạt 104 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là 121,4 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,5% thu ngân sách nội địa. Thu tiền từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước lũy kế đến nay đạt 9 nghìn tỷ đồng tăng 2 nghìn tỷ so với năm 2018, thu từ khai thác khoáng sản đạt khoảng 4 nghìn tỷ. Ngành khai khoáng đóng góp 0,12 điểm phần trăm; lĩnh vực bất động sản đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Trong 3 năm (từ năm 2016-2018), qua thanh tra toàn Ngành kiến nghị thu hồi gần 13 nghìn ha đất. Khiếu kiện về đất đai giảm 38% so với giai đoạn trước. Kết quả công tác quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển.
Vấn đề môi trường có chuyển biến từ phương thức, tư duy quản lý đến triển khai trong thực tiễn. Nhiều dự án công nghiệp lớn đã được kiểm soát, bảo vệ môi trường để hoạt động hiệu quả tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện có 88,3% khu công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải tập trung, có thể hoàn thành vượt mục tiêu 89% do Quốc hội giao trong năm 2019.
Bộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến quốc tế và trong nước nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, bước đầu tạo được sự chung tay của toàn xã hội. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực môi trường đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian 15 - 25 ngày phù hợp với công nghệ.
Tiềm năng lợi thế về biển tiếp tục được phát huy, các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục là động lực cho phát triển trong 6 tháng đầu năm 2019, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa tăng 42,6%, Hà Tĩnh tăng 30,98%, Quảng Ninh tăng 13,51%,… trong 6 tháng cuối năm sẽ có thêm Hải Phòng là động lực tăng trưởng mới… Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được tích cực triển khai, vướng mắc liên quan đến hoạt động giao khu vực biển, nhận chìm đã được tháo gỡ; đang thực hiện thủ tục tiếp nhận tàu nghiên cứu do Nhật Bản trao tặng để hình hành đội tàu nghiên cứu biển, vươn ra làm chủ biển khơi.
Về công tác dự báo khí tượng thủy văn, đã tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới; gia tăng thời hạn dự báo trước các loại hình thiên tai với với độ chính xác để các địa phương chủ động phòng tránh giảm thiệt hại. Trong ứng phó với biến đổi khí hậu đã nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu giải pháp thủy thạch động lực trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và khảo sát xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở ở miền núi phía Bắc… để từ mô hình điểm sẽ nhân rộng ra các vùng.
Cải thiện cung cấp dịch vụ công
Vấn đề rất quan trọng là cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rất rõ nét. Nếu năm 2015 đến năm 2016 người dân, doanh nghiệp thường phàn nàn về các thủ tục đất đai, khoáng sản, nhất là thủ tục làm sổ đỏ, tiếp cận đất đai… thì hiện nay qua đánh giá của các tổ chức độc lập quốc tế, nhân dân, doanh nghiệp, Ngành Tài nguyên và Môi trường đã có bước chuyển biến rất rõ qua từng năm.
Tỷ lệ người dân phản ánh phải “bôi trơn” khi làm thủ tục Sổ đỏ giảm 29% so với năm 2015, chỉ số hài lòng đối với trường hợp bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp đạt 68%. Chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm. Các chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với 2 dịch vụ công về đất đai và môi trường tăng đều qua 3 năm, trong đó chỉ số đánh giá về tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73,7 năm 2016 lên 80,03 điểm năm 2018. Chỉ số đánh giá về quy định về thủ tục hành chính từ 73,5 lên 84,53 điểm; chỉ số đánh giá sự phục vụ của công chức tăng từ 74,3 lên 81,52 điểm; chỉ số đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 73,7 lên 85,25 điểm. Chỉ số đăng ký tài sản (gồm đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất) xếp 60/190 quốc gia được đánh giá. Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đã đạt 97,5%.
Bộ đặc biệt quan tâm đến các kiến nghị từ địa phương để hoàn thiện chính sách theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản, như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP giải quyết các vướng mắc về chính sách đất đai; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP giải quyết các vấn đề về môi trường. Trên cơ sở các kiến nghị địa phương gửi về và sau 2 Hội nghị giao ban vùng, Bộ sẽ tiếp tục trình ban hành các văn bản, ban hành theo thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc.
Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc cụ thể từ thực tiễn với gần 3.000 văn bản giải đáp, hướng dẫn (riêng Bộ đã ban hành 1.300 văn bản). Các văn bản này sẽ được tập trung thành cơ dữ liệu để các địa phương nghiên cứu, tổ chức triển khai. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật tạo sự chuyển biến lớn trong thực tiễn.
Tuy vậy, công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn một số hạn chế và những thách thức to lớn cần phải vượt qua. Trước hết là nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp sử dụng hợp lý thông qua giải quyết tốt bài toán quy hoạch. Chính sách, pháp luật còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn như quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý tài sản công. Một số chính sách như Luật Quy hoạch chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn lúng túng khi áp dụng, triển khai.
Khiếu kiện về đất đai đã giảm nhưng các vụ việc tồn đọng là các vụ việc khó, phức tạp, kéo dài nhiều năm; khiếu kiện về môi trường đang nổi lên ở nhiều địa phương đặt ra cho những yêu cầu cần phải giải quyết một các tổng thể từ cơ chế chính sách, đến quy hoạch, đến công nghệ xử lý và trách nhiệm của từng người dân, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề có tính liên vùng, liên ngành, liên quốc gia trong quản lý tài nguyên, môi trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, giữa các địa phương, chưa có cơ chế chia sẻ giữa các quốc gia.
Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài; khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều địa phương. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm; mạng lưới quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao.
Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên môi trường các tỉnh phía Bắc diễn ra vào ngày 19/7, tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nêu ra những vấn đề trọng tâm và các giải pháp toàn Ngành cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là tạo được đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chuyển hóa thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội cho phát triển. Các vấn đề liên quan đến Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai và Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Với vai trò là cơ quan quản lý các tư liệu, nguồn lực đầu vào và đầu ra cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, ngành tài nguyên và môi trường chủ động, sáng tạo để triển khai các nhiệm vụ. Trực tiếp lắng nghe phản ánh các vướng mắc và cùng thảo luận, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ để khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển. Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Nhất là việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành; hướng dẫn, tháo gỡ và giải đáp các vướng mắc của địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận