24HMONEY đã kiểm duyệt
26/05/2024
Giải pháp tăng hiệu quả quản lý hoạt động môi giới chứng khoán
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, MGCK còn là trung gian cần thiết trong giao dịch giữa các tổ chức phát hành, CTCK và NĐT trên thị trường. Các vấn đề pháp lý trên và thực tế thị trường là cơ sở để đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về hoạt động MGCK trong thời gian tới.
Những vụ việc tranh chấp liên quan đến môi giới chứng khoán (MGCK) trên thị trường cho thấy dù pháp luật về hoạt động này tương đối hoàn thiện nhưng chưa bao quát được hết...
Những bất cập trong quy định
Chủ thể hoạt động MGCK: Theo quy định pháp luật hiện hành, CTCK vừa phải làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, vừa phải đăng ký
kinh doanh chứng khoán tại UBCKNN theo quy định tại Điều 71 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 176 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Trong thời gian tới nên sửa đổi quy định: “CTCK khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp chỉ cần gửi giấy phép đăng ký kinh doanh chứng khoán do UBCKNN cấp kèm theo một công văn thông báo đến cơ quan đăng ký doanh nghiệp để cơ quan đăng ký doanh nghiệp cập nhật thông tin lên Cổng thông tin quốc gia”.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán cho cá nhân, tổ chức muốn mua bán chứng khoán trên sàn giao dịch, hoạt động MGCK còn kết nối nhà đầu tư (NĐT), giúp thu hút và lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế, cải thiện môi trường văn hóa đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy phát triển sản phẩm mới. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, hiện nay trong Luật Chứng khoán 2019 chưa có một quy định chính thức nào về điều kiện kinh doanh chứng khoán. Vì vậy, để nội dung trong hệ thống pháp luật về chứng khoán có sự thống nhất thì Luật Chứng khoán nên bổ sung quy định về điều kiện của chủ thể kinh doanh MGCK.
Vốn điều lệ hoạt động MGCK: Trong quy định về vốn điều lệ hiện tại, CTCK muốn hoạt động nghiệp vụ kinh doanh MGCK trên TTCK cơ sở cần mức vốn điều lệ tối thiểu là 25 tỷ đồng, còn hoạt động MGCK trên TTCK phái sinh cần vốn điều lệ tối thiểu là 800 tỷ đồng, với mức quy định này là chưa đủ để đảm bảo rủi ro cho NĐT trên TTCK. Thứ nhất, tùy từng thời điểm nhưng đa phần thanh khoản một ngày hiện nay của TTCK đạt trung bình từ 10 đến 15 nghìn tỷ đồng, nếu so với số vốn điều lệ trong quy định hiện tại thì khá ít. Thứ hai, số lượng NĐT trên thị trường vẫn không ngừng tăng lên qua từng ngày, điều này cho thấy mức độ quan tâm của NĐT đối với TTCK tại Việt Nam là tương đối lớn. Thứ ba, TTCK Việt Nam là TTCK mới nổi, đang chuẩn bị lên thị trường cận biên, những biến động của thị trường sẽ mạnh mẽ nên dễ gây tâm lý đến NĐT. Vì vậy, việc thay đổi theo hướng tăng mức vốn điều lệ trong Luật Chứng khoán hiện nay là cần thiết. Mức tăng lên bao nhiêu cần tham khảo đến nhiều yếu tố như: thanh khoản trên thị trường, số lượng NĐT không chuyên nghiệp và tình hình thực tế của TTCK Việt Nam…
Hợp đồng MGCK: Một vấn đề khác là hình thức hợp đồng MGCK trên TTCK hiện nay chủ yếu có sự kết hợp giữa hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử. Quy định trong Bộ luật Dân sự có sự công nhận về hợp đồng điện tử khi xem giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015. Luật chuyên ngành cũng nên có quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán về hình thức hợp đồng để tránh những mâu thuẫn trong quan hệ MGCK.
Việc tư vấn khách hàng khi mở hợp đồng MGCK chưa được rõ ràng trong quy định pháp luật. Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 121/2020/ TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì CTCK phải bố trí nhân viên MGCK tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Tuy nhiên, nội dung giải thích hợp đồng chưa có quy định nào cụ thể là thực hiện những gì, ngoài ra cũng chưa có chế tài cụ thể nếu vi phạm trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về hợp đồng mẫu đối với hợp đồng mở tài khoản và lưu ký chứng khoán. Nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng áp dụng hợp đồng mẫu trong các lĩnh vực, ngành nghề mà nội dung hợp đồng có nhiều quy dịnh phức tạp như: Chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, mua bán và sáp nhập (M&A)… Để triển khai và sử dụng hợp đồng mẫu trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và hợp đồng MGCK nói riêng cần xây dựng và có lộ trình triển khai phù hợp.
Cấp chứng chỉ hành nghề: Trong quy định về người hành nghề MGCK hiện nay, có 2 vấn đề cần xem xét, đó là: cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề MGCK có trình độ chuyên môn về chứng khoán và quyền của người MGCK tại CTCK. Việc chỉ quy định trình độ chuyên môn về chứng khoán đối với cá nhân hành nghề MGCK đang chưa thật sự rõ ràng. Tình trạng nhân viên MGCK trên TTCK hoạt động khi chưa có chứng chỉ hành nghề MGCK, dẫn đến không đủ kiến thức để thực hiện công việc tư vấn cho NĐT, không nắm được những thông tin thiết yếu về doanh nghiệp để thông báo kịp thời đến khách hàng, hay thiếu đạo đức nghề nghiệp trong vấn đề tư vấn gây những hậu quả đáng tiếc là lỗ hổng cần khắc phục. Vì vậy, MGCK phải là người hiểu rõ về Luật Chứng khoán, hiểu rõ thị trường và có đạo đức nghề nghiệp, trong đó, cần quy định sâu hơn về trình độ chuyên môn.
Đạo đức hành nghề môi giới chứng khoán và trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Về đạo đức hành nghề MGCK, quy định hiện nay chưa được pháp luật chú trọng, bởi lẽ việc xây dựng nội dung bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nói chung và quy tắc hành nghề MGCK nói riêng là tùy thuộc vào CTCK theo quy định tại Điều 4 Thông tư 121/2020/TT-BTC, pháp luật chỉ quy định về những trách nhiệm cơ bản. Điều này có thể làm cho những quy tắc đạo đức nghề nghiệp giữa các CTCK có thể khác nhau, gây mất tính thống nhất trên TTCK. Vì vậy, Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật nên xem xét ban hành một văn bản đạo đức nghề nghiệp riêng các hoạt động trong kinh doanh chứng khoán, bao gồm hoạt động MGCK, phân tích tài chính và quản lý quỹ.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đa phần những gian lận trong TTCK có sự tinh vi nhất định trong cách thức thực hiện, diễn ra nhanh chóng và hậu quả thiệt hại cao. Tuy nhiên, các phương thức hiện nay chỉ mới đang dừng lại ở việc khắc phục hậu quả khi có vi phạm, chưa có quy định nào cho hành động ngăn chặn hoặc biện pháp để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong trường hợp xảy ra vi phạm trong MGCK. Do đó, thời gian tới Chính phủ có thể cân nhắc đến việc quy định một quyền lợi của khách hàng là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự nhằm hạn chế kịp thời những rủi ro và hậu quả về sau.
Ngoài ra, cần có quy định văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở tham chiếu để tính toán bồi thường thiệt hại cho NĐT trong việc xác định các dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng, cơ quan thực hiện giám định tư pháp dựa trên đó để định lượng về tội phạm thao túng, nội gián hay các hành vi vi phạm khác trên TTCK.
Cơ sở vật chất kỹ thuật: Những quy định về cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng để được cấp giấy phép thành lập và kinh doanh chứng khoán của chủ thể kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, nội dung quy định đối với cơ sở vật chất kỹ thuật còn khá sơ sài. Vì thế, trong nội dung Thông tư 121/2020/TT-BTC nên có quy định chi tiết hơn về những cơ sở vật chất kỹ thuật tối thiểu mà CTCK cần phải có để thực hiện nghiệp vụ MGCK.
Xxử lý vi phạm của MGCK: Một trong những trách nhiệm của CTCK là bố trí nhân viên MGCK tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng theo quy định tại Điều 13 Thông tư 121/2020/TT-BTC. Tuy vậy, chưa thấy quy định nào trong việc xử lý vi phạm đối với hành vi thiếu trách nhiệm trong tư vấn, giải thích hợp đồng.
Trong Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 chỉ có một nội dung quy định vi phạm nếu không ký kết hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc hợp đồng ký kết với khách hàng không có đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật tại Điều 27, nhưng đây là quy định cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, nghị định và thông tư liên quan có thể xem xét để bổ sung hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi thiếu trách nhiệm trong tư vấn, giải thích hợp đồng, với mức xử phạt từ tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng.
Về thẩm quyền xử lý vi phạm vẫn còn mang tính thủ tục, chưa có tính kịp thời. Vì vậy, cần trao cho UBCKNN một số phương thức để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Năm 2024, nhiều CTCK tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu NĐT. (Ảnh: Top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất TTCK Việt Nam tại quý I/2024)
Một là, tiến hành rà soát, đồng bộ quy định pháp luật về hoạt động MGCK. Trong đó, thống nhất các quy định hiện hành về MGCK trong luật và các văn bản dưới luật, đặc biệt là quy định xử lý vi phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan.
Hai là, pháp luật về chứng khoán và MGCK có thể xem xét việc đề xuất bổ sung cho UBCKNN các phương thức thực hiện quyền như: “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm”. Những phương thức này sẽ góp phần gia tăng tính kịp thời trong hạn chế thiệt hại đối với người bị hại.
Ba là, giải pháp trong việc tăng vốn điều lệ của các CTCK. Hiện nay, vốn điều lệ thực tế của các CTCK rơi vào khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, riêng một số CTCK lớn trên TTCK, vốn điều lệ có thể lên tới 8000-15.000 tỷ đồng. Việc tăng mức vốn điều lệ sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của CTCK, đặc biệt là hoạt động kinh doanh MGCK, đóng góp chung vào TTCK phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ cũng góp phần làm thị trường minh bạch hơn, thu hút được dòng tiền trong và ngoài nước.
Bốn là, giải pháp về quy định trong phát triển sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm về hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn. TTCK Việt Nam nói chung và TTCK phái sinh nói riêng vẫn còn nhiều dư địa phát triển sản phẩm mới. Sự quan tâm của NĐT trên TTCK với sản phẩm phái sinh sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, triển khai các sản phẩm
chứng khoán phái sinh tiếp theo như hợp đồng quyền chọn chỉ số cổ phiếu, từng bước đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong giai đoạn tới cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, kèm những quy định cụ thể về tư vấn MGCK với các sản phẩm này trước khi chính thức triển khai giao dịch trên thị trường.
Năm là, vấn đề bồi thường thiệt hại do lỗi của CTCK và nhân viên MGCK trong việc làm thất thoát tài sản của NĐT trong thực tế rất khó xác định, do đặc thù giá trị của chứng khoán trên thị trường là thay đổi không ngừng. Pháp luật nên có những quy định về phương pháp xác định, không nên giới hạn mức trần bồi thường đối với các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vì sẽ hạn chế đi quyền lợi của người bị thiệt hại và tính răn đe của pháp luật. Bên cạnh đó để bảo vệ quyền lợi của mình, các NĐT nên chủ động đọc kỹ các quy định trong hợp đồng đã ký với các CTCK khi đăng ký mở tài khoản giao dịch chứng khoán, chủ động yêu cầu hướng dẫn kỹ lưỡng các điều khoản chưa nắm rõ trong hợp đồng, đặc biệt là vấn đề bồi thường thiệt hại do CTCK hoặc nhân viên MGCK gây ra.
Sáu là, thay đổi và hoàn thiện công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề MGCK: Thứ nhất, điều chỉnh lại bộ khung chương trình đào tạo cho phù hợp và theo sát với thực tế công việc phát sinh. Trong đó tập trung truyền thụ các kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh MGCK, đạo đức hành nghề MGCK. Ngoài ra, đưa nội dung quy định bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán được cấp chứng chỉ chuyên môn mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề MGCK vào Luật Chứng khoán như một điều kiện tiên quyết.
Bảy là, nhìn chung hiện nay các đối tượng, chủ thể tổ chức, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán thường là cá nhân, tổ chức có học thức, có trình độ hiểu biết nhất định; một bộ phận không nhỏ là các NĐT lâu năm, có am hiểu sâu rộng và là những chuyên gia về tài chính, chứng khoán, công nghệ thông tin; gắn kết quan hệ xã hội sâu rộng. Vì vậy, các phương thức phạm tội được thực hiện một cách tinh vi, lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát TTCK để thực hiện hành vi vi phạm. Đây được coi là một loại tội phạm ẩn, diễn ra trong một thời gian dài, khi phát hiện thì đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; đồng thời gây nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng. Vì vậy, có hai giải pháp đặt ra, một là, công nhận tin nhắn trong những nhóm (group) MGCK là vật chứng quan trọng trong những vụ án thao túng, làm giá trên TTCK. Hai là, cần có những quy định trong phát triển nhân lực MGCK đủ năng lực, phẩm chất để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm chứng khoán nói chung và MGCK nói riêng.
Tám là, luật pháp một số quốc gia trên thế giới có những quy định bắt buộc đối với sự phát triển của quỹ bảo vệ NĐT chứng khoán trên TTCK. Cơ quan có thẩm quyền có thể lên kế hoạch xây dựng quỹ bảo vệ NĐT chứng khoán như một giải pháp phòng ngừa đặc biệt cho NĐT chứng khoán tại Việt Nam.
*Viện Nghiên cứu Kinh doanh & Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH)
Bình luận