Giải pháp nào đẩy lùi tín dụng đen?
Tình trạng tín dụng đen ở nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến, công khai. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Giải pháp nào đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức?
Tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội
Tại hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức" do báo Lao động tổ chức ngày 12/11, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang cho hay, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ... dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp.
NHNN đã có nhiều giải pháp như: Liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch bệnh.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết lĩnh vực, ngành kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg.
Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%.
Mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
“Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội... mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...” - Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết.
Đại diện Bộ Công an cũng cho biết, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của tổ chức tín dụng, công ty tài chính…., xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Nhu cầu người dân còn cao, tăng cường khả năng tiếp cận chính thức
NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó có việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu của NHNN, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách đơn giản, dễ dàng.
Cổng thông tin cho phép người dân, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vay và tra cứu thông tin tín dụng của bản thân. Nội dung thông tin về sản phẩm vay được hiển thị hết sức đa dạng trên Cổng thông tin, thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm. Sau khi khách hàng lựa chọn được sản phẩm vay phù hợp, Cổng thông tin cho phép người dùng đăng ký nhu cầu vay.
Phó Tổng Giám đốc CIC (NHNN) Lê Anh Tuấn cho hay, thời gian qua, có khoảng 500.000 tài khoản người dân đã đăng ký tham gia giao dịch trên Cổng thông tin với 241.000 nhu cầu vay của cá nhân. Lượng nhu cầu vay của cá nhân liên tục tăng cao. Ngay sau khi khách hàng gửi nhu cầu vay lên hệ thống, thông tin nhu cầu vay được tự động chuyển tới user TCTD. Khách hàng sẽ có cơ hội được nhiều TCTD tiếp cận trong một thời gian ngắn sau đó, nhờ vậy mà có nhiều lựa chọn hơn trước khi quyết định làm thủ tục vay ở một TCTD nào đó. Để giúp khách hàng chủ động sắp xếp kế hoạch tài chính trả nợ, trên giao diện đăng ký nhu cầu, CIC đã phát triển tính năng ước tính dòng tiền phải trả theo thời gian tùy thuộc vào số tiền cần vay, lãi suất mong muốn và thời hạn vay mà khách hàng đã đăng ký trên hệ thống.
Đến thời điểm hiện tại, có gần 4.000 tài khoản người dùng từ 54 TCTD được cấp quyền tham gia hệ thống để kết nối, tiếp cận người vay; hiện có khoảng 520 sản phẩm từ 38 TCTD đang được giới thiệu trên giao diện Cổng thông tin. Mặc dù mới đang ở giai đoạn đầu triển khai hoạt động kết nối nhu cầu vay, song đã có khoảng trên 20% nhu cầu vay đăng ký trên hệ thống được TCTD tiếp cận.
Về phía NHCSXH Việt Nam, đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay, và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Khách hàng khi nắm được những quy định về dịch vụ ngân hàng thì sẽ hiểu biết và sử dụng ngân hàng tránh được tín dụng đen. NHCSXH có những app trên điện thoại, zalo để khách hàng có thể tìm hiểu, tiếp cận một cách dễ dàng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm khẳng định, tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp của BIDV; Gia tăng liên kết với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận khách hàng tại khu vực nông thôn; Tiếp tục phát triển, số hóa các sản phẩm tín dụng và triển khai cho vay online đối với khách hàng cá nhân; Nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng (góp phần giảm tín dụng đen); Đồng thời BIDV sẽ tiếp tục đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ bán hàng huyên nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, các ý kiến kiến nghị tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến ngăn chặn tín dụng đen. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Bộ TT&TT, NHNN Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; Riêng công ty tài chính đã có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành phố. (Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế -NHNN) |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận