Giải pháp nào cho “đống sắt vụn” nghìn tỷ của Vinashin?
Cùng với Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân, Nhà máy phát điện diesel công suất 39MW được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ “huy hoàng” cho ngành đóng tàu Việt Nam.
Nhưng đáng tiếc là bộ đôi này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi, sau đó chìm nghỉm theo con tàu Vinashin.
Mua “hàng thải” của Trung Quốc
Năm 2003, Vinashin giao cho đơn vị con là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân thực hiện dự án Nhà máy điện Cái Lân - Vinashin, với tổng mức đầu tư gần 36 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng (vào thời điểm này), gồm 6 tổ máy, công suất 6,5 MW/tổ.
Trong thời gian hoạt động ngắn ngủi, nhà máy thường xuyên hỏng hóc. Trong 6 tổ máy thì chỉ có 2 tổ hoạt động được 75% công suất, trong đó tổ M5 có thời gian chạy lâu nhất là 11.393 giờ, 4 tổ máy còn lại không thể hoạt động vì không mua được phụ tùng thay thế. Thậm chí, trong quá trình vận hành, các kỹ sư phải lần lượt lấy linh kiện, thiết bị của tổ này lắp vào tổ kia.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này là do toàn bộ thiết bị chính của Nhà máy điện diesel được tháo dỡ, mua lại từ một nhà máy điện cũ sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc.
Điều đáng buồn, là tháng 10/2009, Nhà máy đã “tắt điện” hoàn toàn, không lâu trước khi Nhà máy thép đi vào hoạt động, cho thấy sự lãng phí và đầu tư thiếu tầm nhìn của những người đứng đầu Vinashin thời điểm đó.
Lực bất tòng tâm
Theo ông Đào Việt Phong, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, trong thời gian ngắn ngủi hoạt động, mặc dù chưa kịp cấp điện cho nhà máy thép mà chủ yếu cấp cho một số doanh nghiệp lân cận, nhưng nhà máy điện lỗ hơn 62 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phong, những năm qua nhà máy này đã từng chào giá bán nguyên khối nhưng không ai mua, còn bán sắt vụn cũng không xong vì vướng nhiều thủ tục quy định của nhà nước. Thời gian cứ thế trôi qua, đến nay nhiều thiết bị đã hỏng hẳn không thể hoạt động.
Ông Phong cũng cho biết, đơn vị bảo lãnh tín dụng chiếm phần lớn mức đầu tư của nhà máy điện diesel Cái Lân là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (AGRIBANK ) - chi nhánh Quảng Ninh đã giải ngân khoản vay số tiền gần 33/36 triệu USD tổng mức đầu tư vào các năm 2002 và 2005.
“Sau đại án Vinashin, Chính phủ cho phép ngân hàng này được hoán đổi sang trái phiếu Chính phủ với mức tương ứng 30% vốn vay (giai đoạn I). Khi xử lý xong khoản vay giai đoạn I, Nghị quyết số 42 (2015) của Chính phủ không cho phép sử dụng vốn nhà nước để xử lý nợ xấu đối với các doanh nghiệp tổ chức nhà nước, nên việc giải quyết tài sản khoản vay nhà máy điện diesel tiếp tục gặp khó”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, hiện phía ngân hàng vẫn đang xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp vào thẩm định, có phương án mua tài sản (phục hồi nhà máy phát điện) nhằm giảm thiểu một phần thiệt hại trong số 70% khoản vay tín dụng kể trên. Đã có nhiều nhà đầu tư đến xem xét nhưng đều lắc đầu ngáo ngán vì thiết bị đã hư hỏng gần như không thể khôi phục.
“Các đoàn công tác của Bộ GTVT đến đây tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cũng thưa dần và chưa có giải pháp nào hiệu quả. Có thể nói là chúng ta đang bất lực giải cứu khối tài sản hàng nghìn tỷ này." ông Phong nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận