Giải pháp chống nghẽn lệnh: Đừng để “sống chết mặc bay”
Nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) vẫn đang là điểm nóng trên thị trường chứng khoán những ngày qua. Các quyết sách nhằm giải quyết tình trạng này đang được giới đầu tư theo dõi từng ngày.
Trong một bài phỏng vấn trên báo mới đây, ông Lê Hải Trà - Tân Tổng Giám đốc HOSE đã có phần trả lời về giải pháp nâng lô tối thiểu lên 1,000 cổ phiếu đối với tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE.
Theo tính toán của HOSE, tăng lô lên 1,000 có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng giao dịch. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Đồng thời ông Trà cũng nhấn mạnh đây là giải pháp tạm thời. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, quy định lô tối thiểu hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.
Tiếp sau đó, lãnh đạo của một CTCK top 10 thị phần đã có chia sẻ ý kiến trên trang cá nhân về việc nâng lô. Theo vị này, giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động. Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1,000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Vị này cũng nói thêm, các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư.
Thế nhưng đứng trước giải pháp này, nhiều nhà đầu tư, đa số là cá nhân gay gắt lên tiếng phản đối bởi một lý do đơn giản: Số vốn tối thiểu để đầu tư chứng khoán sẽ tăng lên nhiều lần. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu % trong số lượng 40 - 50% lệnh giảm đi đến từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ?
Theo lý thuyết, thị trường tài chính sinh ra để kết nối nguồn cung tài chính tới chủ thể có nhu cầu, từ người có vốn đến người cần vốn. Trên sàn chứng khoán thì đó là nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi và doanh nghiệp niêm yết có nhu cầu huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quản lý tài chính cá nhân, người ta vẫn thường nghe tới nguyên lý 6 chiếc hũ (6 jars), với chiếc hũ thứ 4 có tên gọi Tài khoản đầu tư (FFA – Financial Freedom Account), 10% thu nhập sẽ được dùng cho việc đầu tư. Có nhiều cách để đầu tư, ví dụ như đầu tư chứng khoán, hoặc để dành khi nào nhiều nhiều có thể hùn vốn làm ăn với bạn bè, hay mở một cửa hàng nhỏ, thậm chí là mở công ty. Cho thấy đầu tư chứng khoán là một lựa chọn khả dĩ mà hầu như ai cũng thực hiện được. Kể cả không có quá hiểu về thị trường, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nhận tư vấn và nắm giữ nhằm hưởng cổ tức.
Nếu muốn áp dụng nguyên lý 6 chiếc hũ trong điều kiện lô tối thiểu là 1,000 cp và giá cổ phiếu ở mệnh giá là 10,000 đồng/cp thì nhà đầu tư phải có thu nhập vào khoảng 100 triệu đồng/tháng!? Ví dụ trên phần nào minh chứng số lô tối thiểu 1,000 cổ phiếu này hoàn toàn có thể trở thành rào cản với dòng tiền đầu tư trong toàn xã hội.
Một vấn đề phát sinh khác là xử lý cổ phiếu lô lẻ. Việc nâng lô từ 100 lên 1,000 mở rộng định nghĩa cổ phiếu lô lẻ rất nhiều. Trong tương lai, nhà đầu tư sẽ gặp rắc rối khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bạn sở hữu 900 cổ RAL, SAB, MWG... trị giá hơn trăm triệu đồng vẫn bị coi là lô lẻ. Công ty chứng khoán có thể cung cấp mua lô lẻ nhưng sự kém hấp dẫn do phải bán với giá theo công ty chứng khoán đề xuất (thường với giá sàn), đồng thời chịu phí khiến nhà đầu tư phải suy nghĩ lại.
Có nhà đầu tư nêu ý kiến: “Nếu cố gắng bán qua công ty chứng khoán sẽ phải bán với giá sàn của phiên giao dịch đó, cộng thuế phí các kiểu thì thiệt hại 10%, tính thêm chi phí cơ hội là giá trị của cổ phiếu đó đang tăng lên mà không được bán theo thị giá thì mức thiệt hại còn cao hơn nhiều! 10% của 10 triệu đồng thì còn ngậm ngùi chấp nhận được chứ 10% của 100 triệu thì lại là một số tiền kha khá đối với nhiều người!”
Lật lại vấn đề, việc đề ra phương án tăng lô hay cho rằng giải pháp nâng lô là khả dĩ nhất được đưa ra ở góc độ miễn sao là giải quyết được vấn đề tắc nghẽn trước mắt.
Chung quy, điều nhà đầu tư mong muốn khi gọi tên Sở mỗi khi nghẽn lệnh là được hưởng những quyền lợi cơ bản khi tham gia thị trường, đổi lại là tiền phí và thuế trong từng giao dịch. Nhưng đề xuất nâng lô lại cho thấy cung cách quản lý đẩy nhà đầu tư phải chạy theo công nghệ của sàn chứng khoán. Trong khi, chính sàn là nơi phải cung cấp dịch vụ cho toàn thể nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ. Đến lúc sàn hết nghẽn lệnh nhờ nâng lô thì có ích gì khi đông đảo nhà đầu tư cá nhân không đủ lực chỉ đành đứng ngoài.
Mong rằng “nâng lô lên 1,000 cổ phiếu” chỉ là một đề xuất nằm trên giấy và cơ quan quản lý sẽ suy xét thật kỹ đưa ra ra giải pháp hợp cả tình và lý. Đừng để chuyện “sống chết mặc bay” diễn ra trên thị trường tài chính - huyết mạch của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận