menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Lộc

Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách giảm

Việc áp dụng giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nhằm phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Để thúc giải ngân cuối năm, các biện pháp cần được áp dụng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

8 tháng giải ngân mới đạt hơn 50%

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.

Cụ thể, Bộ GTVT đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% và tăng 59,3%; Bộ NN&PTNT 2.174 tỷ đồng, bằng 47,6% và giảm 10,8%; Bộ Y tế 1.298 tỷ đồng, bằng 33,8% và giảm 54,9% và Bộ GD&ĐT là 779 tỷ đồng, bằng 39,2% và giảm 38,1%...

Về địa phương, Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; TP Hồ Chí Minh 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2% và Thanh Hóa 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%...

Người đứng đầu phải quan tâm đặc biệt đến giải ngân vốn đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, bên cạnh những yếu tố cộng hưởng như thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, giá vật liệu xây dựng leo thang, tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong đầu tư công tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2021 cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư “ì ạch”.

“Giai đoạn đầu năm, chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công lúc này thường thấp”, ông Phương nói.

Qua rà soát thông tin số liệu, các bộ có dự án lớn như: GTVT, NN&PTNT, Quốc phòng, Công an… hay các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân đã được thực hiện khá tốt, đỡ cho kết quả chung của cả nước. Về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai và đạt kết quả tích cực.

Một số nơi vẫn giải ngân thấp, thậm chí có nơi chưa giải ngân, chủ yếu là ở các đơn vị có ít công trình, quy mô nhỏ. Theo ông Phương, sự quan tâm của lãnh đạo đối với công tác giải ngân vốn đầu tư là rất quan trọng, bất kể là dự án có quy mô lớn hay nhỏ.

Ngoài ra, điều khó ở đây là mức độ và chất lượng của lực lượng tham gia vào dự án đầu tư công. Nếu như một lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao mà năng lực cấp thực hiện không được tốt thì cũng gây chậm trễ cho các dự án.

Thêm vào đó là tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong công tác quản lý dự án. Hiện nay các đơn vị tiêu thụ ngân sách chủ yếu dùng bộ phận kiêm nhiệm của chính cơ quan mình để thực hiện quản lý dự án nên phần nào cũng ảnh hưởng năng lực của ban quản lý dự án. Nếu thuê lực lượng bên ngoài thì kinh phí đắt và thường được áp dụng với các dự án có quy mô lớn.

Trong công điện gửi tới các bộ ngành, địa phương về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm trễ trong giải ngân là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. “Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...”, công điện chỉ rõ.

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đưa ra mục tiêu: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý 3/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Như vâỵ, với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 đã được Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng, tới hết quý 3, mục tiêu giải ngân tối thiểu tương ứng là 276,78 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid -19.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao từ đầu năm để cương quyết điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.

Giảm dự án chưa cần thiết để tăng hiệu quả đầu tư công

Ngày 30/9 tới đây, Bộ KH&ĐT sẽ có báo cáo tổng thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân, đồng thời thông báo với các bộ, ngành, địa phương. Nếu bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung thêm vốn, Bộ sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin hoặc bị giảm kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn từ giữa các đơn vị. Với đặc điểm năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Do đó, việc điều chuyển vốn đầu tư công phải được cân nhắc trong thực tiễn để có thể triển khai hài hòa, kịp thời. (Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại