Giải ngân vốn đầu tư công: Thông đầu này lại tắc đầu khác
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 21/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói rằng cần có Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội về phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo ông Thanh, hiện nay một dự án “thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác”, chặn về đất đai, về môi trường…
Cần phân cấp, ủy quyền mạnh
Theo kế hoạch, trong năm 2023, vốn cho đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với 2022. Với khối lượng công việc lớn, trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói: “Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này”.
Về những bất cập trong Luật Đầu tư công, theo ông Thanh, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng - đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. “Hà Nội nhiệm kỳ này chỉ có 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, số tiền này chỉ có thể bố trí cho 5-7 công trình, mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà Hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn”, ông Thanh kiến nghị.
Phê bình các đơn vị chậm giải ngân Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2022, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28.600 tỷ đồng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công. |
Đồng tình với ý kiến trên, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy kiến nghị cho phép ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá giải phóng mặt bằng. Theo ông, đây là việc làm rất cần thiết, bởi ở cấp huyện mới hiểu rõ được nội dung này. “Bây giờ tất cả báo cáo lên là phải thành lập Hội đồng cấp tỉnh, phải đi kiểm tra. Như vậy không đủ thời gian để làm”, ông Huy nói. Đồng thời cho biết, vừa qua, tỉnh đã thực hiện ủy quyền nhưng một số bộ, ngành có ý kiến “việc ủy quyền này không theo luật”.
“Vướng mắc do chúng ta tự gây ra”
Trao đổi lại, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, công tác kế hoạch đầu tư đã được đổi mới, cải tiến nhiều. Nếu như giai đoạn 2016-2020 và trước nữa, quy trình kế hoạch là “2 lên 3 xuống, 5 quy trình” đến nay rút gọn chỉ còn “1 lên 2 xuống”, rút đi rất nhiều nên “không thể nói quy trình kế hoạch vất vả nữa”. Hơn nữa, theo ông Phương, thời gian qua khi sửa đổi các quy định, đã tiếp tục phân cấp một cách triệt để, đến nay các dự án trong nước, từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương, Trung ương không có thẩm quyền trong quy trình này. Đối với dự án ODA, chỉ có còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, còn B, C là phân cấp địa phương.
Cho rằng vấn đề khó khăn nhất là vấn đề “đầu tiên là tiền đâu”, mà bây giờ có tiền rồi nhưng không làm được, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói thẳng: “Khó khăn, vướng mắc là do chúng ta tự gây ra, tự mình đem đá buộc chân mình”. Theo ông, có hai vướng mắc lớn là trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Trong chuẩn bị đầu tư, theo quy định hiện hành, khi có tiền mới được lập dự án. Tuy nhiên, nếu bố trí được tiền rồi mới lập dự án thì “phải 2 năm sau mới giải ngân được”. Để gỡ nút thắt này, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án. Khi được bố trí vốn thì lúc đó sẽ triển khai công tác thực hiện đầu tư. “Chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững. Với đền bù giải phóng mặt bằng, ông Phớc cho biết, theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. “Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết”, ông nói.
Kết quả giải ngân là tiêu chí đánh giá cán bộ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và nhiều công trình, dự án quan trọng khác. Tuy nhiên, các báo cáo và ý kiến phát biểu đã chỉ ra rất cụ thể các tồn tại, hạn chế, gồm 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý để chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp.
Nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các đơn vị cần phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; xác định rõ và công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà thầu để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm. Đặc biệt, cần khuyến khích các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tiến độ các dự án, tránh đội vốn
Chiều 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT). Theo báo cáo của Bộ GTVT, thời gian qua, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2). Bộ GTVT đã hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngày 1/1, đến nay đã ký hợp đồng toàn bộ các gói thầu để tổ chức thi công đồng loạt theo đúng Nghị quyết của Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý, việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, ngành GTVT phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và quan tâm đời sống công nhân.
VK
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận