menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Giải ngân vốn chậm, lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị với Thủ tướng

Nhận trách nhiệm khi để giải ngân vốn đầu tư công chậm, song Chủ tịch Tp.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh đều mong muốn Thủ tướng tháo gỡ một số vấn đề về bố trí vốn.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Tại hội nghị toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sáng 21/2, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, Tp.HCM được giao vốn 54.000 tỷ đồng nhưng khả năng cân đối của Thành phố là 37.000 tỷ đồng.

Tính trên khả năng cân đối, đến ngày 31/1/2023, Tp.HCM giải ngân được 71,3% tương đương 26.636 tỷ đồng. Tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỷ đồng, tăng 35%.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Tp.HCM nhận thấy có 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất là thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của Thành phố trong năm 2022 làm chậm.

Tiếp đến, công tác giải phóng mặt bằng của nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm, vừa không giải phóng mặt bằng được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp;

Giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm.

“Lần họp trước Tp.HCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Tp.HCM đã tiến hành xem xét trách nhiệm các đồng chí đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói trước Thủ tướng.

Giải ngân vốn chậm, lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị với Thủ tướng
Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Năm 2023, Tp.HCM được phân bổ vốn là 70.000 tỷ đồng - tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỷ vốn của địa phương. Đến nay, Tp.HCM đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương, còn vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, còn 26.000 tỷ đồng.

Như vậy đến nay đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỷ đồng, còn 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỷ đồng. “Tp.HCM đang khẩn trương hoàn thiện và đến cuối tháng 3/2023, HĐND Tp.HCM sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương”, ông Mãi cho hay.

Lãnh đạo Tp.HCM cho biết, thời gian qua địa phương đã tổ chức Hội nghị triển khai kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và phương hướng năm 2023, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, của Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực, đã cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc, nhất là những thủ tục phối hợp với các ngành với nhau, thủ tục về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cương quyết nửa đầu năm nay công tác mặt bằng phải đảm bảo được cho các dự án…

Kiến nghị phân cấp ủy quyền cho địa phương

Về giải ngân đầu tư công của Hà Nội, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, đến 31/1/2023, Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (tương đương 87,8%).

Nếu loại trừ vốn ODA của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá đã hết thời gian hiệp định vay vốn, Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng và đã được Thủ tướng đồng ý gia hạn dự án này đến cuối tháng 5, nếu dự án này được phê duyệt cuối năm ngoái thì Hà Nội đã giải ngân được thêm 1.000 tỷ đồng.

“Tuy nhiên dự án này phức tạp nên Hà Nội đợi sự chỉ đạo của Chính phủ ký sớm để Hà Nội được triển khai ngay dự án này”, ông Thanh cho hay.

Giải ngân vốn chậm, lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị với Thủ tướng
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị với Thủ tướng về việc phân cấp, phân quyền cho dự án (Ảnh: VGP).

Về khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Tp.Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ KH&ĐT đó là có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. Ông Thanh bày tỏ, mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng.

“Hiện giờ một dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác, chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Kiến nghị liên quan đến Luật Đầu tư công, ông Thanh cho biết không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư.

“Hà Nội nhiệm kỳ này có 25.000 tỷ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà HĐND không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật”, ông Thanh nói và mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này để giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn.

Giải ngân vốn chậm, lãnh đạo địa phương nêu kiến nghị với Thủ tướng
Dự án cầu 1.700 tỷ đồng được thiết kế 6 làn xe đang thi công tại Tp.Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: Hữu Thắng).

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, về kết quả giải ngân năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được 121% (báo cáo của Bộ Tài chính), thực tế tỉnh đã giải ngân được là 127%.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh được giao số vốn là 14.971 tỷ đồng, trong đó, vốn địa phương là 13.700 tỷ đồng,vốn Trung ương là 1.200 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã phân khai đầy đủ nhưng riêng có vốn nước ngoài là 981 tỷ đồng chưa phân khai được do đây là một dự án thoát nước và vệ sinh môi trường Tp.Hạ Long và Cẩm Phả là vay vốn ODA”, ông Huy cho biết.

Hiện nay, dự án này mới được gia hạn 30/6/2021 cho nên tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ là giảm nguồn vốn này vì không đủ thời gian để giải ngân. Sau đó tỉnh sẽ phải làm thủ tục điều chỉnh dự án, báo cáo Bộ, ngành Trung ương ra hạn hiệp định vốn ODA này. Đây là một dự án phức tạp, kéo dài nhiều năm.

Về giải pháp, tỉnh Quảng Ninh năm nay đã giải ngân đến nay xấp xỉ 15% vốn của năm 2023; đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch tỉnh là Tổ trưởng và phân công cụ thể cho các Sở, ngành, Chủ tịch các địa phương gắn với trách nhiệm, gắn với thi đua khen thưởng, nếu không làm được sẽ thu hồi vốn về để giao lại cho các địa phương khác.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hà Nội, ông Huy cho biết việc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá giải phóng mặt bằng và các địa phương là việc làm rất cần thiết, bởi ở cấp huyện mới hiểu rõ được nội dung này.

“Bây giờ tất cả báo cáo lên tỉnh để phê duyệt là phải thành lập Hội đồng cấp tỉnh, phải đi kiểm tra. Như vậy không đủ thời gian để làm. Vừa qua, tỉnh đã ủy quyền rồi nhưng một số Bộ, ngành có ý kiến là việc ủy quyền này không theo Luật. Cho nên Quảng Ninh có ý kiến, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý để UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện được phê duyệt giá giải phóng mặt bằng và tái định cư thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Huy kiến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại