'Giải mã' 2 thách thức chính với thị thị trường chứng khoán
Kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng, tuy nhiên những thách thức cho triển vọng của thị trường chứng khoán vẫn còn lớn, trong đó yếu tố định giá thị trường và thanh khoản là vấn đề đáng lưu tâm hiện nay.
Định giá VN-Index không còn rẻ
Mức giảm trên 2% cũng đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á trong ngày. Phiên giảm mạnh cũng đã "thổi bay" gần 102.000 tỷ đồng (~ 4,2 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 23/11, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,4 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 520 nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh ngắn hạn giữa tháng 9.
Nhìn chung, thời gian vừa qua, VN-Index liên tiếp giằng co trong vùng 1.105 – 1.110 điểm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định ở nhiều chỉ số quan trọng như xuất khẩu, FDI và đầu tư công.
Dù vậy, mức giảm lợi nhuận toàn thị trường khoảng 1,7% trong quý III vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thất vọng, bởi trước đó họ kỳ vọng những yếu tố tích cực như mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, cầu trong nước dần hồi phục, bất động sản bớt căng thẳng sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng dương trở lại.
Đáng chú ý, mặt bằng định giá cao cũng đang là yếu tố gây thách thức với thị trường chứng khoán. Hiện tại, định giá P/E ở mức 13,1 lần - thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và nhiều nhận định cho rằng định giá TTCK đang ở mức rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup lưu ý nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của TTCK. Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.
Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là nhóm có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay và định giá của nhóm này cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt xa giai đoạn tiền rẻ năm 2021.
"Nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu ở thời điểm hiện tại", bà Vân phân tích.
Với định giá đang neo vùng đỉnh trong khi kết quả kinh doanh quý III kém hơn kỳ vọng, chuyên gia FiinGroup cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện này mới có thể giúp nhà đầu tư tránh việc mua cổ phiếu giá cao quá đà.
Nhìn rộng hơn, một số ý kiến đánh giá những thách thức cho triển vọng năm 2024 vẫn còn rất lớn do những yếu tố nội tại nền kinh tế Việt Nam như tình hình thị trường bất động sản và nợ xấu trái phiếu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu mặc dù có sự cải thiện nhất định.
Thêm vào đó, các yếu tố bên ngoài như triển vọng hồi phục của các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam chưa rõ trong bối cảnh môi trường lãi suất quốc tế ở mức rất cao làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cầu về xuất khẩu.
“Mặc dù vĩ mô hiện tại đang ủng hộ cho đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo sẽ tích cực hơn khi đạt khoảng 8-10%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng 20% như giai đoạn Covid-19 kết thúc sẽ rất thách thức”, chuyên gia FiinGroup nhìn nhận.
Vốn rẻ chưa chảy mạnh vào thị trường
Một yếu tố đáng chú ý đó là thanh khoản thị trường. Hiện nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng dòng vốn rẻ chảy mạnh sang kênh chứng khoán, dù rằng tiền đang có dấu hiệu trở lại thị trường sau giai đoạn đứng ngoài “cuộc chơi”.
Từ đầu quý II đến nay, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn cải thiện tích cực, từ mức bình quân phiên 476 triệu USD trong quý I/2023 lên 677 triệu USD trong quý II/2023 và đạt 1,01 tỷ USD trong quý III/2023. Điều này một phần là do mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh và bối cảnh vĩ mô bớt gam màu tiêu cực đã kích thích dòng tiền tìm đến kênh đầu tư có mức độ rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận cao hơn là thị trường cổ phiếu.
Dù rằng mặt bằng lãi suất huy động đã tạo đáy lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19 (khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn) thì TTCK trong nước cũng không xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh 2 tỷ USD như giai đoạn đại dịch. Thậm chí, phiên “bùng nổ theo đà” ngày 8/11 vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa với mức tăng 33,14 điểm, thanh khoản sàn HoSE cũng chỉ ghi nhận trên 18.211 tỷ đồng.
“Bối cảnh bây giờ có sự khác biệt so với giai đoạn trước nên chưa thể kỳ vọng dòng vốn dồi dào chuyển dịch sang kênh chứng khoán như đã từng xảy ra”, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận.
Theo chuyên gia VCBS, định hướng điều hành của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn này là hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời hạn chế dòng tiền chảy vào các hoạt động đầu cơ để tránh xuất hiện "bong bóng tài sản", dù tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đến cuối tháng 10/2023 đạt 7,4% (thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,6% của cùng kỳ năm 2022 và cách xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2023) và các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản.
Mặt khác, xu hướng mạnh lên rõ rệt của đồng USD so với các đồng tiền khác thời gian qua khiến cho nhà đầu tư nước ngoài hạn chế giải ngân đầu tư các tài sản định giá bằng VND trong giai đoạn này như cổ phiếu niêm yết. Cho nên, sự đồng thuận của cả khối nội và khối ngoại để tạo nên một xu hướng đi lên mạnh mẽ và liên tục trên thị trường chứng khoán như giai đoạn trước rất khó xảy ra.
“Mặt bằng lãi suất thấp sẽ cần tiếp tục duy trì trong thời gian dài hơn thì mới có thể chứng kiến sự dịch chuyển dòng vốn sang thị trường chứng khoán”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán DSC cho rằng để thanh khoản thị trường trở lại mức 2 tỷ USD/phiên (đỉnh điểm của năm 2022) cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: lãi suất cho vay tiếp tục giảm và nguồn vốn tín dụng dễ tiếp cận; sự sôi động của nhiều kênh đầu tư như bất động sản và cả yếu tố tạo ra sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (như nâng hạng thị trường hay hệ thống KRX đi vào hoạt động). Và thời điểm phù hợp để dòng vốn rẻ chảy mạnh qua kênh chứng khoán sẽ là giai đoạn 2024 - 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận