Giải cứu VietnamAirlines (VNA)!
Quốc hội vừa đồng ý chủ trương giải cứu VNA với hai biện pháp: (i) cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng cho VNA vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và; (ii) cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước.
Biện pháp thứ nhất thuộc dạng cho vay rủi ro (risky loans). Các ngân hàng thương mại ban đầu sẽ cho VNA vay vốn, rồi sau đó đem hợp đồng tín dụng đó thế chấp để lấy tiền ra từ NHNN (tái cấp vốn). Ở đây NHNN đóng vai trò là người cho vay cuối cùng (lender of last resort), tuy nhiên không phải đối với một tổ chức tín dụng mà là đối với một công ty nằm ngoài lĩnh vực tài chính. Bên cạnh là công ty nhà nước thì còn một lý do nữa để “giải cứu” đó là VNA “quá lớn để cho sụp đổ - too big to fail." Đây không phải lần đầu tiên NHNN ra tay giải cứu đối với một “too big to fail.” Còn nhớ vào năm 2015-2016 khi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với vài chục nghìn tỷ vốn vay, từ hàng chục ngân hàng trong nước (trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất với khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng dư nợ), lâm vào tình trạng mất thanh khoản thì NHNN cũng đã có biện pháp tương tự. Thực chất khi đó đối tượng cần NHNN giải cứu hơn là BIDV, chứ không phải HAGL.
So với HAGL khi đó thì VNA hiện có tình hình tài chính lành mạnh hơn nhiều và ngành nghề cũng an toàn hơn. Tuy nhiên, việc giải cứu bằng tái cấp vốn từ NHNN luôn là vấn đề về tính công bằng giữa các doanh nghiệp. Vietjet hay Bamboo đều đang là những doanh nghiệp cùng ngành chịu ảnh hưởng tương tự từ Covid-19, vậy liệu họ có cần giải cứu? Hơn nữa, tiếng là không sử dụng ngân sách nhà nước (tiền thuế của dân) nhưng việc tái cấp vốn từ NHNN sẽ làm tăng cung tiền, ít nhiều sẽ dẫn đến tăng giá. Tức là, toàn dân sẽ chịu “thuế lạm phát – inflation tax.” Gánh nặng của thuế lạm phát chủ yếu rơi vào những người giữ nhiều tiền mặt (dân nghèo).
Khả năng tăng vốn của VNA là tương đối dễ dàng và tôi thiên về biện pháp này hơn. Việc cho phép VNA tăng vốn, và SCIC mua cổ phiếu theo tỷ lệ vốn góp của nhà nước, là hoạt động bơm vốn cổ phần (equity injections) của nhà nước vào doanh nghiệp. Mặc dù ít có khả năng xảy ra, nhưng vẫn có thể các cổ đông khác của VNA từ chối mua tăng vốn, tuy nhiên như tường thuật của báo chí, QH chỉ cho phép SCIC mua theo quyền mua của nhà nước, không cho phép mua lại quyền mua của các cổ đông khác nếu họ từ chối. Về bản chất, việc bơm vốn cổ phần là sử dụng tiền thuế của dân, bất kể tiền đó lấy từ ngân sách nhà nước hay từ vốn mà SCIC đang quản lý. Với ngành nghề và những lợi thế mà VNA đang có, việc bơm vốn cổ phần có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai một khi ngành hàng không hồi phục và cổ phiếu tăng giá.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện bơm vốn cổ phần hoặc tái cấp vốn, VNA nên mở các đợt bán vé thu tiền trước cho các năm 2021-2022, không chỉ với các tuyến bay nội địa mà còn cả với các tuyến bay quốc tế, để giải quyết thanh khoản mà những người nghèo như tôi lại có thể bay với giá rẻ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận