24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Giải cứu” kinh tế: Chỉ nên tập trung vào nhóm ngành có sức lan tỏa, tổn thương nhất bởi dịch bệnh!

TS. Phạm Sỹ Thành đã khuyến cáo như vậy trong Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào sáng nay (13/4),

Trích dẫn số liệu báo cáo, TS. Phạm Thế Anh - tân Viện trưởng VEPR - cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 1/2020 đạt mức 3,82%, dù thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm nhưng vẫn là “điểm sáng” trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nhiều nước khác ở mức âm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý các con số thống kê về GDP vẫn chưa bao phủ hết những tác động của đại dịch Covid-19 đến khu vực kinh tế phi chính thức đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp cách ly xã hội.

Riêng đối với hệ thống ngân hàng, báo cáo của VEPR lưu ý việc 2 triệu tỷ đồng có nguy cơ rơi vào nợ xấu sẽ kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong những năm qua.

“Giải cứu” kinh tế: Chỉ nên tập trung vào nhóm ngành có sức lan tỏa, tổn thương nhất bởi dịch bệnh!
TS. Phạm Thế Anh (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VEPR)

Thế lưỡng nan của Chính phủ

Tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Thế Anh chỉ ra thế lưỡng nan của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang “cúm nặng” vì Covid-19.

Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách tiền tệ gặp nhiều ràng buộc về mục tiêu lạm phát và tỷ giá.

“Các nước phát triển có mức lạm phát rất thấp, chỉ quanh 0-1% nên mới có thể mạnh tay cung cấp các gói kích thích tiền tệ lớn. Tiếp nữa, đồng nội tệ của Việt Nam không được mạnh như các đồng ngoại tệ khác (JPY, USD).

Việc áp dụng các gói QE lớn dẫn đến rủi ro dòng vốn rút khỏi nước ta khi đồng nội tệ mất giá quá nhiều.

Vì vậy, Chính phủ cần cẩn trọng khi thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa” - TS. Phạm Thế Anh phân tích và cho rằng các chính sách cần đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (có thể chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”).

Bên cạnh đó, trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, có phương án thích hợp vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.

Việc thúc đẩy đầu tư công cũng cần phải được đẩy mạnh, tập trung vào các dự án đã được phê duyệt, nằm trong kế hoạch ngân sách. Thậm chí, Chính phủ cần cắt giảm hoặc tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.

Việc cho vay ưu đãi cần phải tập trung vào các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi. Tránh việc “ép” các doanh nghiệp vay vốn, tiềm ẩn nguy cơ hình thành nợ xấu trong tương lai.

Tập trung vào nhóm ngành có sức lan tỏa hoặc tổn thương lớn nhất bởi dịch bệnh

Trong khi đó, theo TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR), các gói cứu trợ của Chính phủ vẫn còn khá khiêm tốn so với khu vực, chính sách còn thiếu “quy mô, tốc độ, đích ngắm”.

“Chúng tôi hiểu rằng vấn đề thâm hụt ngân sách không mấy dễ chịu để Chính phủ có thể mạnh tay trong các gói chính sách hỗ trợ quy mô lớn. Bộ Tài chính đã phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra các gói chính sách” - TS. Phạm Sỹ Thành nói.

“Giải cứu” kinh tế: Chỉ nên tập trung vào nhóm ngành có sức lan tỏa, tổn thương nhất bởi dịch bệnh!
TS. Phạm Sỹ Thành tại buổi tọa đàm trực tuyến của VEPR (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VEPR)

Theo vị chuyên gia này, nếu các cuộc khủng hoảng trước tác động ngay tới tổng cầu, thì dịch Covid-19 tác động tới tổng cung, gây trì trệ nền kinh tế, rồi sau đó là gây suy giảm tổng cầu.

Do đó, các chính sách cần tập trung vào những giải pháp giúp các hộ doanh nghiệp, cá nhân chống lại viễn cảnh cuộc suy thoái kinh tế đã hiển hiện sau đại dịch.

“Các phản ứng có vẻ rất toàn diện nhưng dường như chưa có trọng tâm (hỗ trợ cho doanh nghiệp nào, nhóm ngành nào). Điều này có thể giống như việc bắn tên mà không có đích ngắm.

Các chính sách chỉ nên tập trung vào nhóm ngành có sức lan tỏa hoặc tổn thương lớn nhất bởi dịch bệnh” - TS. Phạm Sỹ Thành nêu quan điểm và cho rằng các ý tưởng hỗ trợ người dân, nền kinh tế cần phải được thúc đẩy nhanh hơn nữa.

Kinh tế Việt Nam có tăng trưởng âm?

Các chuyên gia của VEPR đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam dựa trên giả định dịch bệnh không bùng phát mạnh như tại Vũ Hán.

Theo đó, ở kịch bản lạc quan (dịch bệnh được khống chế vào giữa tháng 5/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường từ Quý 2/2020), tốc độ tăng trưởng GDP Quý 2/2020 của Việt Nam có thể đạt ở mức âm 3,3%. Sau đó, tốc độ tăng trưởng trong các Quý 3, 4 bật tăng mạnh lên hơn 7%. Cả năm 2020, tăng trưởng GDP ở mức 4,2%.

Ở kịch bản bi quan, dịch bệnh kéo dài tới cuối năm 2020, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức âm 1%.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự phục hồi hoàn toàn thời kỳ hậu Covid-19 của nhiều ngành như hàng không, du lịch, thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

“Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới” - báo cáo lưu ý./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả