Giải bài toán thừa tiền tại ngân hàng: Làm thế nào để cung gặp cầu?
Trước tình trạng thừa tiền tại ngân hàng như hiện nay, làm thế nào để giải quyết bài toán cung không gặp cầu?
Người viết có dịp trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) nhằm tìm hiểu các vấn đề về chính sách tiền tệ của Việt Nam trước tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng tín dụng lại không tăng trưởng như kỳ vọng.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam liệu có thay đổi gì không nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, thưa ông?
Hiện nay, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã về bằng mức trước dịch COVID-19, không cần thiết phải giảm lãi suất để kích thích kinh tế, mà nên tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn.
Do vậy, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẫn có thể duy trì như hiện tại hoặc khi áp lực đè lên tỷ giá hoặc lạm phát trong nước quá cao, lúc đó mới bắt đầu cân nhắc đến việc tăng lãi suất trở lại.
Chính sách tài khóa mà Việt Nam cần tập trung vào cụ thể là gì?
Hiện nay, các chính sách của Việt Nam đều tập trung vào phía cung, ví dụ như chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vấn đề ở đây là phía cầu. Nếu phía cầu không có thì hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang thừa tiền.
Chính sách đang đẩy tiền cho doanh nghiệp và người dân, nhưng bản thân doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và người dân không có nhu cầu vay vốn để tiêu dùng. Khi sức cầu đang yếu thì nên tập trung vào các chính sách về phía cầu.
Ở phía cầu, có thể chia thành 2 dạng chính sách: Kích cầu khu vực công và kích cầu từ khu vực tư nhân.
Kích cầu ở khu vực công là phải tập trung vào chính sách tài khóa, đẩy mạnh việc chi tiêu của Chính phủ, đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công từ nay đến cuối năm để tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Điều này đóng vai trò như đòn bẩy để bật tăng nền kinh tế.
Thứ hai là chính sách thuế. Theo tôi, Việt Nam cần cân nhắc giảm thêm nhiều loại thuế. Chẳng hạn như thuế VAT hiện đang được hỗ trợ giảm 2%, nhưng mức giảm này không tác động nhiều đến hành vi chi tiêu của người dân. Ví dụ một khách hàng mua một sản phẩm có giá 100 đồng, cộng với tiền thuế VAT là 110 đồng, sau khi giảm 2% thuế VAT (giảm 2 đồng), giá còn 108 đồng. Mức giảm này thực sự không đủ tạo động lực để người dân mua hàng và không có tác động nhiều đối với nền kinh tế.
Ở các nước khác, họ thường sẽ giảm 50%, thậm chí là 100%, tức miễn thuế VAT trong giai đoạn khó khăn để kích cầu. Thậm chí, Thái Lan gần đây còn tặng tiền cho người dân để chi tiêu. Ở Mỹ, trong thời kỳ suy thoái và kích cầu yếu trong nền kinh tế, họ thực hiện chính sách tiền trực thăng - tặng tiền cho người dân để kích thích họ chi tiêu.
Theo kế hoạch được đưa ra trong ngày 11/09, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10,000 Baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Chính phủ Thái Lan cũng sẽ sớm giảm giá năng lượng và hoãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ đang chật vật vì gánh nặng nợ.
Việt Nam có thể cân nhắc về những chính sách như vậy, tập trung về phía cầu nhiều hơn là phía cung, như giảm thuế VAT, hoặc thậm chí là thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để đẩy mạnh tổng cầu cho nền kinh tế. Còn bây giờ, khi nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, hành vi người tiêu dùng sẽ hướng vào tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu. Không có tiêu dùng thì không có tăng trưởng.
Hiện nay, chính sách thuế TNCN cũng chưa thật sự hợp lý, chưa cập nhật theo chi phí giá thương mại hiện tại. Mức giảm trừ 4.4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc là quá thấp. Có thể việc thay đổi chính sách còn lâu dài, sau khi các dự thảo, thông tư được thông qua; nhưng trước mắt, tôi nghĩ, nên giảm hoặc miễn thuế trong ngắn hạn để kích cầu. Khi mức thuế hiện tại chưa thực sự hợp lý, người dân sẽ càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế.
Có những giải pháp nào để giải quyết bài toán thừa tiền tại ngân hàng?
Vấn đề thừa tiền chủ yếu là cung và cầu không gặp nhau. Doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn thì phải giải quyết về phía cầu, cả cầu trong nước lẫn quốc tế.
Nhưng cầu quốc tế là yếu tố bị động, phải xem xét tình hình xuất khẩu có khả quan hơn không. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu có thể khả quan hơn, lượng đơn hàng bắt đầu có trở lại song điều này đến cuối năm mới có thể thấy rõ.
Về phía cầu trong nước, ngoài các chính sách giảm thuế để kích thích chi tiêu như trên, còn một số vấn đề khác như doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Dù lãi suất thấp, ngân hàng muốn cho vay, doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn, chẳng hạn như thiếu tài sản đảm bảo hoặc không chứng minh được dòng tiền. Đây cũng là bài toán nan giải đặt ra cho ngân hàng - cân đối giữa yếu tố rủi ro và giải ngân cho doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại cần thống nhất để đưa ra được chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở hiện tại, nếu nới lỏng điều kiện vay vốn thì khi có rủi ro sẽ được giải quyết như thế nào.
Hoặc có thể cân nhắc nâng tỷ lệ cho vay lên, ví dụ như tỷ lệ cho vay là 70% thì có thể nâng lên 80 - 90% hoặc kết hợp giữa cho vay thế chấp và cho vay tín chấp, để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Việc chứng minh dòng tiền cũng vậy. Trong giai đoạn khó khăn như hiện tại, thật khó để doanh nghiệp chứng minh dòng tiền. Ngân hàng thương mại và NHNN có thể điều chỉnh hoặc đưa ra những giải pháp để doanh nghiệp linh động chứng minh dòng tiền.
Giải quyết được những vấn đề này mới đẩy được tiền ra lưu thông. Chính sách tiền tệ hiện tại đang bị nghẽn, nếu tiếp tục giảm lãi suất mà tiền không lưu thông thì vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng.
Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận