Giải bài toán hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp
Để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, theo chuyên gia, cần có giải pháp triệt để hơn, đặc biệt là trong việc quản lý doanh thu của hộ kinh doanh.
Hiện nay, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, là khu vực kinh tế quan trọng, hằng năm đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội.
Hiện nay, hộ kinh doanh là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế
Mặc dù có số lượng lớn, song phần lớn các hộ kinh doanh đều không mặn mà, thậm chí ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.
Theo đánh giá chung, các hộ kinh doanh không muốn chuyển sang thành lập doanh nghiệp vì đang được thực hiện theo cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn, không phải thực hiện chế độ kế toán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động...
Đáng nói, theo các kết quả khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện và công bố thường niên, các doanh nghiệp vẫn thường xuyên phải chi trả những khoản chi phí không chính thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tần suất thanh tra, kiểm tra cũng thường tỷ lệ thuận theo quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp của Việt Nam khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Mặt khác, thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh chịu nhiều bất lợi, khó tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ. Khi trở thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Điều này giúp họ có đủ nguồn lực để mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất.
Được biết, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây đã có đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Theo đó, dự kiến miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Tài chính chỉ giải quyết phần ngọn mà không triệt để phần gốc, vì vậy cần có giải pháp triệt để hơn, đặc biệt là trong việc quản lý doanh thu của hộ kinh doanh.
Để tiếp sức cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đột phá
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương không kỳ vọng đề xuất trên sẽ tạo cú hích để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
"Hết 2 năm hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp chắc chắn sẽ quay lại hộ kinh doanh nếu không thay đổi phần gốc. Phần gốc ở đây chính là giải pháp quản lý doanh thu của hộ kinh doanh. Từ đó mới đưa ra mức thuế khoán đúng, đủ. Có như vậy, hộ kinh doanh mới có động lực để so sánh với cái lợi khi lên doanh nghiệp", bà Thảo nhận định.
Theo bà Thảo, thời gian qua, việc quản lý doanh thu ở các hộ kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay chúng ta đã có công cụ rất hữu hiệu thông qua máy tính tiền. Hàng chục nghìn cây xăng còn làm được, vì sao không áp dụng cho hộ kinh doanh.
“Hiện Việt Nam có hơn 800.000 doanh nghiệp, mục tiêu đạt 1.000.000 doanh nghiệp năm 2020 đã thất bại. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2.000.000 doanh nghiệp… Vì thế, mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đột phá, quyết liệt”, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhấn mạnh.
Xoay quanh vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, hiện nay, việc cơ quan thuế ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý giúp nâng cao hiệu quả giám sát và thu thập thông tin từ các hộ kinh doanh. Công tác kiểm tra và giám sát của cơ quan thuế cũng được thực hiện chặt chẽ hơn nhờ ứng dụng công nghệ.
“Việc sử dụng hóa đơn điện tử và phương pháp kê khai giúp giảm thiểu tình trạng gian lận và tăng cường sự minh bạch, khắc phục lỗ hổng quản lý thuế hộ kinh doanh. Khi việc trốn thuế trở nên khó khăn hơn, hộ kinh doanh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc tiếp tục hoạt động dưới hình thức hiện tại hay chuyển đổi lên doanh nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, theo chuyên gia này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan, bao gồm việc cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và các chương trình hỗ trợ tài chính. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch để các hộ kinh doanh có thể tự tin chuyển đổi và phát triển bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận