Giấc mơ về hạt gạo ngon nhất thế giới ST
Trong tâm thức của người Việt, hạt gạo được ví như “hạt ngọc trời”, mang đến sự ấm no, đủ đầy cho xã hội. Và đâu chỉ vậy, ngày nay, hạt gạo Việt Nam còn lập nên những kỳ tích mới khi khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.
Những ngày đầu năm mới, xuôi về thủ phủ gạo thơm tỉnh Sóc Trăng đã thấy khói đốt đồng phất phơ mùi rạ mới. Cánh đồng ST25 rộng 600 hecta đã thu hoạch dứt điểm để gạo ngon kịp vào bếp ăn của người tiêu dùng ngày tết. Năm nay, lúa ST25 bán được giá nên bà con ăn Tết “ngon lành”.
Ông Trương Quang Hùng – Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ khi chuyển qua giống lúa ST25, nhà nông cảm thấy khỏe re, không lo chuyện lúa nằm đồng chờ rụng. Năm nay, giá lúa giao động từ 7.400 -7.600 đồng/kg, xay ra gạo bán lẻ 30.000 đồng/kg, bà con ai cũng mừng: “Từ khi chuyển đổi từ giống lúa thường qua giống ST25 thì năng suất chưa được cao lắm nhưng giá rất cao, bán có lời. Chi phí sản xuất thấp vì ST25 có tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ít hơn các giống khác, bà con cũng phấn khởi mà tiếp tục sản xuất ST25 thôi”.
Thay “chiếc áo mới” cho gạo Việt, phải kể đến sự chăm chút, kỳ công nghiên cứu, lai tạo của các kỹ sư nông nghiệp Việt Nam, mà điển hình là nhóm nhà khoa học của Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ngót 30 năm qua, nhóm nhà khoa học của ông Cua đã ngày đêm tâm huyết, lai tạo ra những giống lúa mới, cho hạt gạo dẻo, cơm thơm. Và ST25 – loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 cũng là sản phẩm của 12 năm khảo nghiệm, ứng dụng thực tế của nhóm nhà khoa học tâm huyết với ngành lúa gạo Việt Nam này.
Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ: “Vùng ĐBSCL đã tự lai tạo được những giống lúa phục vụ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực rất vững chắc. Tuy nhiên lai tạo những giống lúa thơm như định hướng đạt phẩm cấp cao thì vẫn còn là một “sân chơi” trống. Trong suốt thời gian dài không có viện nghiên cứu nào định hướng cho công việc này. Điều nàycàng thôi thúc chúng tôi lai tạo giốnggiống lúa mới với mục tiêu có được loại gạo ngon”.
Còn nhớ, năm 2019, khi ST25 “trình làng” tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 ở Manila, Philippines và được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới” đã làm thay đổi thói quen sản xuất và lựa chọn tiêu dùng của người Việt Nam.
Trước đây, người tiêu dùng trong nước thường chọn các loại gạo sóc, gạo Thái để ăn. Khi ST25 “lên ngôi” đã định vị thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế và kéo người Việt quay trở về với khuynh hướng dùng hàng nội. Đây chính là giá trị cốt lõi mà nhóm tác giả từng ước mơ, cùng nỗ lực đưa hạt gạo Việt chạm đến đỉnh cao.
Kỹ sư Hồ Quang Cua bồi hồi nhớ lại: “Khi đạt giải nhất thế giới, báo chí truyền thông liên tục đưa tin, nhờ vậy mà bà con có suy nghĩa quay trở về. Chúng tôi rất mừng, điều này chứng tỏ người Việt Nam đâu có vọng ngoại, vẫn yêu thích hàng Việt. Bản thân chúng tôi mừng lắm, sau bao năm công tác và ước nguyện thì nay thấy được người tiêu dùng Việt Nam quay về với hàng Việt Nam rất mạnh. Ý thức dân tộc rất cao”.
Cuộc hành trình bền bĩ qua nhiều năm ròng rã, những tháng ngày lặng thầm lai tạo, chọn giống, sự nỗ lực, tâm huyết và khát vọng của những kỹ sư, nhà khoa học nông nghiệp đã làm thay đổi giá trị của hạt gạo Việt. Gạo Việt không chỉ đảm bảo đủ bữa ăn hằng ngày của 100 triệu người Việt, mà hạt gạo đã vươn xa, mang theo hình ảnh đất nước bốn nghìn năm khởi thủy từ nền văn minh lúa nước, mang ước mơ về hạt gạo Việt và bài toán phát triển bền vững vùng trồng, để người nông dân có thể làm giàu từ hạt lúa:
“Chúng ta muốn tạo uy tín trên thế giới thì phải tạo được vùng trồng phù hợp. Ví dụ, ST25 trông ở những vùng mà có thể hạt cơm nó không ngon. Sóc Trăng từ xưa đến nay là nổi tiếng trồng loại lúa thơm, nên giống này trồng ở Sóc Trăng và các vùng ven sông Tiền, sông Hậu sẽ rất ngon. Kế tiếp là vấn đề quản lý đầu ra, kiểm soát bằng hệ thống di truyền để tạo niềm tin trên thế giới. Từ đó, thế giới sẽ trả giá gạo của Việt Nam càng lúc càng cao”.
Theo thống kê, trong năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt gần 7 triệu tấn, tương đương 4 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang dẫn đầu ở phân khúc gạo 5% tấm với mức giá trung bình 485 USD/tấn. Nếu như trước kia, gạo Việt mỗi khi xuất khẩu thường “tham chiếu” giá gạo Thái Lan rồi ra giá thấp hơn từ 10 - 50 USD/tấn để chào hàng, thì trong khoảng 2 năm trở lại đây, gạo Việt Nam đã vượt qua “cái bóng” của gạo Thái Lan, đã xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng và chất lượng tốt.
Nói về giá trị của hạt gạo Việt những năm qua, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đánh giá: “Bây giờ gạo Việt Nam giá cao nhất thế giới vì thật sự nó rất ngon và mới hơn so với trước đây.Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNN về việc nâng cao giá trị hạt gạo Việt trên trường quốc tế, đã triển khai 5 năm, doanh nghiệp – nông dân – chính quyền địa phương đã nâng cao được giá trị hạt gạo”.
Với những giá trị đạt được ấy, đây chính là tín hiệu tươi sáng cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, là động lực để nông dân tiếp tục cày bừa, tỉa sạ, làm ra hạt lúa tốt; là khí thế, niềm tin để những nhà khoa học như kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự của mình tiếp tục bền bĩ nghiên cứu, lai tạo các giống lúa mới ngon hơn, chất lượng hơn, khẳng định thương hiệu “hạt ngọc trời”. Để những ngày đầu năm mới, sau vụ mùa, người nông dân lại rộn ràng đón Tết và tiếp tục viết nên giấc mơ hạt gạo Việt trên cánh đồng thoảng thơm mùi rạ mới…/.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận