Giá xăng, dầu Mỹ giảm mạnh
Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hoặc chuyển sang tiêu cực ở nhiều quốc gia, và việc sử dụng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ thường giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái.
Giá dầu lao dốc trong tuần qua do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu ở Trung Quốc, bất chấp lo ngại rằng nguồn cung của Nga có thể giảm vào tháng tới khi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của EU đối với xuất khẩu dầu thô của nước này có hiệu lực.
Giá dầu WTI chuẩn Mỹ đã giảm khoảng 10% trong tuần này sau khi giảm 1,9% hôm 18/11, kết thúc phiên giao dịch ở mức 80,08 USD/thùng. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Giá dầu thô Brent chuẩn dấu quốc tế giao dịch tại London cũng giảm khoảng 9% trong tuần và đóng cửa giảm 2,4% xuống còn 87,62 USD.
Đợt bán tháo hôm 18/11 đã khiến giá dầu của Mỹ giảm khoảng 14% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 10 sau khi nhóm Opec+ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ thị trường dầu thô đang suy yếu, bất chấp áp lực từ Mỹ.
Đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm tới, viện dẫn “vô số trở ngại” đối với nhu cầu, bao gồm “tỉ lệ suy thoái gia tăng, nền kinh tế yếu kém liên tục của Trung Quốc, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu” và đồng USD mạnh lên.
Nguồn cung dầu toàn cầu dường như đang giảm, nhưng nhiều nhà kinh doanh dầu cho rằng nhu cầu đang giảm nhanh hơn. Đó là bởi vì tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hoặc chuyển sang tiêu cực ở nhiều quốc gia, và việc sử dụng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ thường giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái.
Giá dầu giảm đã giúp hạ giá xăng của Mỹ. Giá xăng trung bình toàn quốc là 3,71 USD/gallon, theo AAA, giảm từ 3,87 USD/gallon một tháng trước đó.
Giá xăng chỉ cao hơn vài xu so với khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ở Texas và một số bang miền Nam khác, xăng hiện đang được bán với giá gần 3 USD/gallon, gần bằng với giá một năm trước đó.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu và xăng giảm là do lo ngại ngày càng tăng rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng các chính sách phong tỏa do Covid-19 vì tình trạng lây nhiễm đang gia tăng trở lại. Điều đó có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu về dầu mỏ của nước này. Trên thực tế, dữ liệu vận chuyển cho thấy số lượng tàu chở dầu cung cấp cho nước này đã giảm trong những ngày gần đây.
Trung Quốc đã có tác động lớn đến giá dầu trong 2 thập kỷ qua vì nước này là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng yếu ở châu Âu, nơi nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng rất chậm, thậm chí không tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận