menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tô Mai Hương

Giá xăng dầu hôm nay 29/5: Tuần tăng tốc của dầu

Giá xăng dầu hôm nay 29/5: Giá dầu thô tăng do thị trường dầu mỏ thắt chặt và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các kho dự trữ của Mỹ giảm dần. Giá dầu đã tăng khoảng 50% cho đến nay, trong năm nay.

Giá xăng dầu hôm nay 29/5: Dầu lên đỉnh 3 tháng, mạch tăng vẫn chưa dứt

Liên tục nhích nhẹ trong các phiên giao dịch của tuần đã giúp giá dầu Brent và WTI có thêm một tuần leo dốc, với Brent gần chạm mốc 120 USD/thùng.

Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent đã vươn lên 119,43 USD/thùng, gần chạm mốc 120 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu WTI lên 115,1 USD/thùng. Mức giá của hai mặt hàng này đã đánh dấu tuần tăng của Brent với 6% và WTI 1,5%.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty dữ liệu và phân tích OANDA (Mỹ) cho biết: “Giá dầu thô tăng do thị trường dầu mỏ thắt chặt và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các kho dự trữ của Mỹ giảm dần.

Giá đã tăng khoảng 50% cho đến nay trong năm nay.

OPEC + dự kiến sẽ tuân theo thỏa thuận sản lượng dầu năm ngoái tại cuộc họp ngày 2/6 và nâng mục tiêu sản lượng tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày.

Thực tế, áp lực nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tiêu thụ phục hồi mạnh cộng với đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá xăng dầu tuần này tăng mạnh, vọt lên mức đỉnh của 3 tháng.

Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 23/5 với xu hướng giảm trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc phục hồi chậm và áp lực nguồn cung hạ nhiệt.

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô hạ nhiệt khi Thượng Hải ghi nhận ca nhiễm mới Covid-19 ngoài khu cách ly sau nhiều ngày không có ca nhiễm mới, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU... đều bị hạ dự báo tăng trưởng, ở mức thấp hơn nhiều so với các mức được dự báo hồi đầu năm.

Việc nhiều nước EU chấp nhận cho các công ty mở tài khoản bằng đồng Ruble tại ngân hàng do Nga chỉ định để thực hiện các hợp đồng mua bán khí đốt cũng tạo áp lực không nhỏ lên giá dầu thô.

Tuy nhiên, khi những lo ngại về một lệnh cấm vận dầu thô Nga ngày một lớn, đồng USD suy yếu và Trung Quốc giữ kế hoạch mở cửa, trở lại trạng thái bình thường khi số ca nhiễm Covid-19 đang được kiểm soát tốt, giá dầu thô đã bật tăng mạnh.

Động lực tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố trong những phiên giao dịch sau đó khi thông tin Mỹ cân nhắc hạn chế xuất khẩu, và nguồn cung dầu từ mỏ dầu Kashagan - mỏ dầu ngoài khơi của Kazakhstan – cắt giảm gần 1/2 sản lượng kể đầu năm 2022 được phát đi.

Nhu cầu tiêu thụ dầu cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh khi các chuỗi cung ứng hàng hoá, sản xuất được khôi phục nhờ sự sôi động trở lại của thị trường Trung Quốc.

Đến phiên giao dịch ngày 27/5, khi đồng USD mất giá mạnh và Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu gỡ dần các biện pháp phong toả, giá dầu thô đã tăng vọt.

Chuỗi phiên tăng giá của dầu thô tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần khi thị trường tiếp tục ghi nhận dự báo về việc nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ tăng mạnh vào mùa hè.

Theo số liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 25/5, dự trữ xăng của Mỹ trong tuần trước đã giảm 482.000 ngàn thùng trong tuần trước, xuống còn 219,7 triệu thùng. Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh khi mùa du lịch diễn ra vào dịp mùa hè ở Mỹ.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu ngày 29/5 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 115,07 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 119,25 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước:

Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành giá từ ngày 24/5.

Theo đó, tại kỳ điều hành ngày 23/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng trích lập và thực hiện chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với các loại xăng để giá xăng trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới. Bên cạnh đó, liên Bộ quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu nhằm duy trì Quỹ BOG để có công cụ điều hành trong thời gian tới.

Cụ thể, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít) và xăng RON 95 ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 400 đồng/kg. Thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi), các mặt hàng dầu không chi.

Giá xăng dầu hôm nay 29/5: Tuần tăng tốc của dầu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá là giảm thuế, phí.

Ngày 29/5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 29.633 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 30.657 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.553 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 24.405 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.598 đồng/kg.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng "nóng", quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá là giảm thuế, phí. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện giá xăng dầu cũng được bàn thảo nhiều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, giá xăng dầu bị đẩy lên cao như hiện nay, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, và có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, nên giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt...

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu "đối sách" về thuế, ứng phó giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào quý III/2022.

Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
12 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại