Giá vé máy bay tăng đột ngột gây khó cho du lịch
(NLĐO)- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết hiện nay, việc thay đổi giá vé máy bay với biên độ rất xa, tăng rất đột ngột, do đó rất khó phục hồi thị trường, ngành du lịch bền vững.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL), Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa đã nêu một số kiến nghị để phục hồi và phát triển du lịch địa bàn TP HCM.
Bà Hoa kiến nghị lãnh đạo Bộ VH-TT-DL có giải pháp phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giảm biên độ giao động của giá vé máy bay trong thời điểm hiện nay.
"Hiện nay, việc thay đổi giá vé máy bay với biên độ rất xa, tăng rất đột ngột, do đó rất khó phục hồi thị trường, ngành du lịch bền vững vì gắn liền với hàng không"- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho rằng vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Hiện nay, trên thị trường thế giới, giá dầu có diễn biến giảm, đó là cơ sở để giảm giá vé máy bay trong thời gian tới. Dự kiến trong tháng 7, giá vé máy bay sẽ có xu hướng giảm.
Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cũng nêu một số kiến nghị liên quan đến chính sách visa: Kiến nghị Bộ VH-TT-DL đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao xem xét mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách e-visa; khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp cần nhập cảnh vào Việt Nam và trường hợp khách quốc tế đến Việt Nam bị F0 và được điều trị tại chỗ, sau khi có kết quả âm tính muốn rời khỏi Việt Nam thì cần đơn giản hơn về thủ tục và cần triển khai cấp visa điện tử cho các trường hợp này; gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Kiến nghị quan tâm sớm có chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhất là các chính sách về thuế, đất đai để sớm đưa những dự án điểm nhấn và nâng tầm du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, về chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm: Kiến nghị Bộ VH-TT-DL phối hợp Bộ, ngành liên quan có xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí như miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh tại địa bàn thí điểm kinh tế ban đêm; miễn phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường tại địa bàn thí điểm kinh tế ban đêm; phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn tại địa bàn thí điểm kinh tế ban đêm; phí cấp phép thành lập doanh nghiệp du lịch… cắt giảm thủ tục, thời gian cấp tổ chức các chương trình, sự kiện, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch. Có chính sách về ưu đãi đầu tư du lịch, đặc biệt đối với đầu tư về các khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế và khu vực.
Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 413 ngàn lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Đa số khách từ các quốc gia được miễn thị thực (Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia), khách sử dụng thị thực điện tử (Mỹ, Úc, Ấn Độ).
Mặc dù vậy, thời gian qua lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế. Khả năng cao là các thị trường khách hàng đầu trước dịch Covid-19 như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga khó sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận