Giá vàng châu Á tăng nhờ kỳ vọng Mỹ đạt được gói kích thích kinh tế mới
Trong phiên giao dịch chiều 21/10, giá vàng châu Á tăng khi đồng USD yếu do hy vọng mới về khả năng các nhà lập pháp Mỹ đạt một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.
Vào lúc 16 giờ 03 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.915,66 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ 13/10. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.919,20 USD/ounce.
Chuyên gia Craig Erlam thuộc OANDA nhận định rằng ngày càng tăng hy vọng về việc Quốc hội Mỹ đạt được một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới trước ngày bầu cử, điều sẽ làm đồng USD giảm và kim loại quý tăng giá.
Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua so với các đồng tiên chủ chốt khác, giúp vàng trở nên rẻ hơn cho những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác..
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 cho biết Nhà Trắng và đảng Dân chủ đang tiến gần đến một thỏa thuận, và ông sẵn sàng chấp nhận một dự luật viện trợ lớn bất chấp sự phản đối từ đảng Cộng hòa. Bình luận của Tổng thống Trump còn giúp đẩy thị trường chứng khoán đi lên.
Vàng - được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát và giảm giá tiền tệ và bất ổn - đã tăng 26% kể từ đầu năm đến nay nhờ các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có trên toàn cầu nhằm đưa các nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc tranh luận cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng cử viên đến từ đảng Dân chủ là ông Joe Biden vào thứ Năm tuần này (22/10 theo giờ Mỹ).
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,1% lên 24,92 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,1% lên 871,46 USD/ounce, và giá palladium tăng 0,1% lên 2.401,44 USD/ounce.
Cuối giờ chiều 21/10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,95 - 56,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á đi xuống do dư cung
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 21/10, sau khi báo cáo của Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng cao trong tuần trước, dấy lên lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu trên toàn cầu. Thêm vào đó, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, báo hiệu triển vọng ảm đạm về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 43 xu Mỹ (1%), xuống 41,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2020 cũng hạ 46 xu Mỹ (1,1%), xuống 42,7 USD/thùng.
Theo báo cáo mới nhất của API, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/10 tăng 584.000 thùng lên 490,6 triệu thùng, trái ngược với mức dự báo giảm 1 triệu thùng của giới phân tích tham gia khảo sát của Reuters.
Áp lực giảm đối với giá dầu càng nặng thêm khi số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 40 triệu ca, khiến một số nước châu Âu tái áp đặt các lệnh phong tỏa. Điều này khiến giới đầu tư quan ngại rằng, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ càng trở nên u ám hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Nga mới đây cho biết, hiện còn quá sớm để thảo luận về việc kiềm chế sản lượng dầu cho tới tháng 12. Đầu năm nay, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, còn được gọi là OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày xuống 5,7 triệu thùng/ngày.
Một số yếu tố khác hỗ trợ giá dầu bao gồm việc Nhà Trắng và đảng Dân chủ đang tiến gần hơn tới thỏa thuận về gói cứu trợ mới liên quan tới dịch COVID-19, giúp nhen nhóm kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận