Giá vàng châu Á phiên 5/3 chạm mức thấp nhất chín tháng
Giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, hướng tới tuần giảm giá thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đồng loạt tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh rằng đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ không gây xáo động.
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.697,60 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020 vào đầu phiên. Tính chung cả tuần này, giá vàng giao ngay giảm 2%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,5%, xuống 1.692,90 USD/ounce.
Chủ tịch Fed Powell ngày 4/3 đã tái khẳng định cam kết duy trì việc nới lỏng tín dụng, đồng thời cho biết mặc dù sự gia tăng sản lượng trái phiếu là "đáng chú ý", nhưng ông đã không cho rằng Fed sẽ phải can thiệp để ngăn chặn xu hướng này.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, theo một cách nào đó, ông Powell đã "bật đèn xanh" cho đà tăng cao của lợi suất trái phiếu Mỹ. Ông lưu ý rằng, có vẻ như không thể tránh khỏi khả năng vàng sẽ giảm sâu hơn mức hiện tại và chạm mức 1.600 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đang ở mức 1,5%, trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong ba tháng. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các mặt hàng không lãi suất như vàng.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX cho hay, nhận định của ông Powell chỉ củng cố suy nghĩ rằng Fed đang dần biến chuyển theo hướng để thị trường thích nghi với việc các nước rút dần các chính sách hỗ trợ kinh tế quy mô lớn. Theo ông Spivak, các thị trường cũng bắt đầu tính đến điều đó khi các chương trình vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,2%, xuống 25,25 USD/ounce, giảm 5% cho cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Giá palladium tăng 0,6%, lên 2.352,33 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim hạ 0,5%, xuống 1.119,98 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 5/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,10-55,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu châu Á phiên chiều 5/3 tăng lên mức cao nhất trong gần 14 tháng
Giá dầu châu Á tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 5/3 lên mức cao nhất trong gần 14 tháng, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) đồng ý không tăng nguồn cung trong tháng 4/2021 để chờ đợi nhu cầu hồi phục hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đã tăng lên 68 USD/thùng, mức chưa từng thấy kể từ ngày 8/1/2020. Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 5/3 (theo giờ Việt Nam), giá loại dầu này đã tăng 1,09 USD (1,6%) lên 67,83 USD/thùng và đang trên đà tăng gần 3% trong tuần. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 93 xu Mỹ (1,5%) lên 64,76 USD/thùng sau khi chạm mức 64,94 USD/thùng trước đó trong phiên.
Cả hai loại dầu này đều tăng hơn 4% trong phiên 4/3 sau khi OPEC+ đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 4/2021 sau khi nhận định nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” vẫn còn yếu do dịch COVID-19 còn dai dẳng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu của OPEC + sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở các quốc gia mua dầu.
Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent tăng 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II và lên 80 USD/thùng trong quý III năm nay, trong khi UBS nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và giá dầu WTI lên 72 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021.
Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 5/3
Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 5/3, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell không xoa dịu được những lo ngại về khả năng lạm phát tăng mạnh trước sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, điều mà nhiều người cảnh báo có thể buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,47%, hay 138,5 điểm, xuống 29.098,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,5 điểm, xuống 3.501,99 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,23%, hay 65,79 điểm, xuống 28.864,32 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,57%, hay 17,23 điểm, xuống 3.026,26 điểm.
Việc các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai, tốc độ lây nhiễm chậm lại, các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các biện pháp kích thích mới sắp được tung ra đang thúc đẩy các nền kinh tế, nhưng các nhà đầu tư lo ngại hơn rằng các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, một động lực chính đưa đến đà phục hồi của các thị trường chứng khoán kéo dài một năm qua, sẽ dần được rút lại trước khả năng giá cả tăng mạnh.
Lo ngại đó đã dẫn tới làn sóng bán tháo ồ ạt trên các thị trường toàn cầu, với chỉ số Nasdaq Composite phiên 4/3 giảm 10% từ các mức cao kỷ lục gần đây.
Ông Powell nhắc lại rằng Fed sẽ chưa thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi đạt được các mục tiêu toàn dụng về việc làm và lạm phát liên tục ở mức cao. Theo ông, khi nền kinh tế phục hồi, giá cả sẽ tăng nhưng có thể chỉ tăng trong thời gian ngắn.
Nhưng dù ông Powell khẳng định Fed sẵn sàng can thiệp nếu cần, các nhà giao dịch thất vọng khi ông không đề cập đến việc ngân hàng này sẽ có những hành động như mua vào trái phiếu trước sự gia tăng lợi suất.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng trở lại lên mức trên 1,5%, cao nhất trong một năm sau phát biểu của ông Powell và các nhà đầu tư đang bán ra khi lạm phát có thể khiến lợi nhuận giảm.
Nhà phân tích Stephen Innes của Axi cho rằng phát biểu của ông Powell cũng không quả quyết như trong các phát biểu trước, cho thấy lợi suất ở mức 2% và tiến đến 2,2% có thể là đủ để Fed tăng lãi suất, điều mà thị trường chưa sẵn sàng.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng gây sức ép bán ra là đà phục hồi kéo dài một năm qua của thị trường chứng khoán có thể sẽ kết thúc và giá một số cổ phiếu quá cao, lý do để các nhà đầu tư chốt lời.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới gói kích thích kinh tế tại Mỹ, khi Thượng viện chuẩn bị tiến hành thảo luận và có thể bỏ phiếu vào cuối tuần, trong khi báo cáo việc làm của nước này được công bố trong ngày sẽ cho phép đánh giá về tình hình nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 5/3, chỉ số VN-Index tăng 0,17 điểm (0,01%) lên 1.168,69 điểm, HNX-Index tăng 4,03 điểm (1,58%) lên 259,8 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận