Giá triệu đô/căn, 'kiệt tác vượt thời gian' của Tân Hoàng Minh xây dựng 13 năm chưa hoàn thành
Mặc dù được khởi công xây dựng từ năm 2009 và được chào hàng bằng ngôn từ hoa mỹ nhất “cung điện đá“, “kiệt tác vượt thời gian“... nhưng đến nay, dự án nhà ở tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) và dự án tại số 36 Hoàng Cầu (Đống Đa) của Tân Hoàng Minh vẫn dang dở.
Dự án D'.Palais Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được khởi công, xây dựng trên khu đất có diện tích 4.701m2, từ năm 2009.
Tòa tháp cao 32 tầng nổi, 4 tầng hầm với 242 căn hộ có diện tích dao động từ 125m2 đến 258m2 nhưng đến nay, dù đã trải qua 11 năm xây dựng, hoàn thiện, dự án D'.Palais Louis vẫn đang bị "đắp chiếu".
Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng năm 2012, dự án này được ra mắt, chào hàng với giá khởi điểm là 145 triệu đồng/m2.
Tương đương mỗi căn hộ có giá bán dao động khoảng từ 13 - 27 tỉ đồng/căn (khoảng 1,3 triệu USD).
Dự án "kiệt tác vượt thời gian" dành cho giới thượng lưu Hà thành của Tân Hoàng Minh xây dựng 10 năm chưa hoàn thành nằm tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có tên gọi khác là Dự án Khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, viết tắt là Dự án Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Diệp Chi
Mặc dù đã "chào hàng" nhưng sau này, dự án liên tục bị chậm tiến độ nên chủ đầu tư đã phải trả lại toàn bộ tiền đặt cọc cho khách hàng.
Năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra, điều tra dự án tại số 6 Nguyễn Văn Huyên và kết quả cuộc điều tra cơ quan này đã công bố nêu rõ: Một số cá nhân chưa đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng, kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng; một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực là không đúng quy định;
Mặc dù được khởi công xây dựng từ năm 2009 nhưng đến nay, dự án nhà ở tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa đi vào hoạt động. Ảnh: Diệp Chi
2 gói thầu tại dự án Nguyễn Văn Huyên có hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công, không có giấy kiểm định thiết bị phục vụ thi công;
8 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết quả hợp đồng;
Ngoài ra, gói thầu thiết kế, quản lý dự án và giám sát thi công do Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam) thực hiện dở dang hợp đồng, nhà thầu không thực hiện công tác quản lý dự án và giám sát thi công công trình…
Mặc dù vậy, đến năm 2019, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn mở cửa dự án chào đón các chủ căn hộ.
Mô phỏng không gian căn hộ dành cho giới thượng lưu tại dự án Nguyễn Văn Huyên của Tân Hoàng Minh. Ảnh: Diệp Chi
Sản phẩm triệu đô thứ hai được ví von như "nơi nghỉ dưỡng lý tưởng" cho giới thượng lưu Hà thành là Dự án xây dựng chung cư CT1 ao Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Dự án có tên gọi khác là D'.Le Pont D'or Hoàng Cầu hay là dự án Hoàng Cầu.
Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2013, trên tổng diện tích 5.363m2, gồm 308 căn hộ cao cấp với 18 loại hình thiết kế và kích thước khác nhau. Tòa tháp sở hữu 90% căn hộ có tầm nhìn hướng hồ với 23 tầng nổi, 4 tầng hầm để xe.
Một góc dự án chung cư của Tân Hoàng Minh tại Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) có giá hàng chục tỉ/căn.
Dự án này từng được chào bán với mức giá khoảng 40 - 45 triệu đồng/m2 vào năm 2020. Căn hộ rộng nhất tại dự án này lên tới 400 m2 và giá tương đương khoảng 15-16 tỷ đồng.
Dù có mức giá hạng sang nhưng cư dân ở đây thường xuyên phản ánh nhiều vấn đề tại chung cư như căn hộ chưa có sổ đỏ vì chủ đầu tư đo sai diện tích, phí gửi xe tăng vọt.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án Hoàng Cầu cũng có một số sai phạm tương tự xảy ra tại dự án Nguyễn Văn Huyên. Tuy nhiên, dự án này, có 2 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng.
Ngoài ra, dự án Hoàng Cầu có gói thầu thi công kết cấu móng và tầng hầm do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Bắc Hà thực hiện có một số hạng mục công việc tính sau về giá trị giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật so với đề xuất tài chính, dẫn đến giá trị thanh toán sau là 105.524.000 đồng.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 6 bị can khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 cho thấy, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông) và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Liên quan đến hoạt động phtas hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền cho thấy đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với 9 đợt chào bán với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến 3/2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil. UBCKNN đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu nêu trên. Theo quy định hiện hành, việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Qua rà soát hồ sơ tại UBCKNN, 3 công ty nêu trên đều là công ty chưa đại chúng và các công ty này không báo cáo UBCKNN về các đợt phát hành và chỉ đăng ký thông tin qua cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). |
Theo Diệp Chi (Gia đình & Xã hội)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận