Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2024 giảm 60%
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9/2024 chỉ đạt xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, giảm khoảng 60% so với tháng 8 và thấp nhất kể từ tháng 5/2024…
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và Uỷ ban Chứng khoán, tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2024, có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 22.333 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.467 tỷ đồng trong tháng 9/2024. Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2024 chỉ bằng 40% tháng trước (giá trị phát hành tháng 8 đạt hơn 60.000 tỷ đồng) và chạm đáy 5 tháng.
Lũy kế từ đầu năm đến 30/9, có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng. Trong đó, 72 % giá trị trái phiếu phát hành là của nhóm ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp bất động sản chiếm 18,54% giá trị trái phiếu phát hành.
Trong tháng 9, các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 35.137 tỷ đồng, tương đương 44%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi mới tổng giá trị 239,4 tỷ đồng và 2 mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giao dịch trong tháng 9 đạt 87.768 tỷ đồng, bình quân đạt 4.619 tỷ đồng/phiên, tăng 40,2% so với bình quân tháng 8.
Trong tháng 9/2024, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 18 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 50.150 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 66,5%.
Kho bạc Nhà nước gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, và 30 năm với kỳ hạn 10 năm và 15 năm chiếm phần lớn giá trị trúng thầu, lần lượt ở mức 22.150 tỷ đồng (chiếm 66%) và 8.550 tỷ đồng (chiếm 26%). Kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 700 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 28%), 395 tỷ đồng (tỷ lệ 39,5%), và 1.579 tỷ đồng (tỷ lệ 59,6%). Lãi suất trúng thầu trung bình giảm nhẹ so với tháng trước.
Tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành thông qua đấu thầu trong 9 tháng đầu năm 2024 là 271.671 tỷ đồng, tương đương 67.9% kế hoạch cả năm (400.000 tỷ đồng). Trong đó, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành quý 3 là 115.169 tỷ đồng, đạt 76,7% kế hoạch quý (150.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân tháng 9 là 12,09 năm, lãi suất trúng thầu bình quân là 2,73%/năm.
Theo công văn số 6139/BTC-QLN và công văn số 6140/BTC-QLN, Bộ Tài chính không cấp bảo lãnh cho trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong năm 2024.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 147.272 tỷ đồng (giảm 1,9% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 110.833 tỷ đồng (tăng 19,1%).
Thanh khoản trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 7.751 tỷ đồng và của giao dịch Repo là 5.833 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright trung bình/ngày tăng 34,3% và giao dịch Repo trung bình/ngày tăng hơn 250%.
Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm tiếp tục chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp, lần lượt là 26,4% và 35,3% tổng giá trị giao dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 492 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 9, đưa lượng mua ròng của khối ngoại trong 9 tháng đầu năm 2024 lên 1.099 tỷ đồng.
Theo phòng chào giá VBMA, lợi suất Trái phiếu Chính phủ Việt Nam giảm nhẹ ở các kỳ hạn từ 7-20 năm và gần như đi ngang ở các kỳ hạn còn lại. Lợi suất kỳ hạn 7-15 năm giảm nhẹ từ 3-6 điểm, kỳ hạn 20 năm giảm 11 điểm cơ bản, trong khi lợi suất các kỳ hạn còn lại gần như đi ngang so với cuối tháng trước.
Kết thúc tháng 9, chỉ số USD Index giảm về mức 100,42 điểm giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt lãi suất lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, hạ 0,5 điểm % xuống mức 4,75%-5% trong cuộc họp ngày 18- 19/9. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ngừng phát hành tín phiếu, hạ lãi suất OMO và bơm ròng ra hệ thống hơn 70.000 tỷ đồng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ-Việt Nam tiếp tục thu hẹp trong tháng 9; khoảng cách là 168 đcb ở kỳ hạn 5 năm và 115 đcb ở kỳ hạn 10 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận