Giá tôm 'nhảy múa' theo giãn cách xã hội
Nuôi tôm đang có chiều hướng giảm và tình hình dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi.
Sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, 8 tháng đầu năm sản lượng tôm tăng 1,0% so với cùng kỳ nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg, thậm chí có những vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động bởi COVID-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thừa nhận thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn hoạt động vận chuyển, mua bán, cung cấp con giống, thức ăn… tại địa phương. Hiện tình hình đã tạm ổn, nhưng các chốt trạm vẫn chưa quán triệt hết các quy định, vẫn còn khó khăn chỗ này chỗ kia, khiến giá tôm giảm đến hơn 30%.
“Có giai đoạn bỏ giãn cách khoảng 5 ngày, thì giá tôm tăng lại ngay, nhưng sau đó tiếp tục giãn cách, thì giá tôm lại quay đầu giảm sâu hơn. Lượng tôm giống thả nuôi giảm của Cà Mau giảm rất nhiều, hiện chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ, thậm chí nhiều khu vực không dám thả nuôi tiếp” - ông Bằng cho biết.
Tiếp lời, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu cũng nhận định do khó cho vận chuyển hàng hóa làm giá tôm giảm khiến người nuôi cũng điêu đứng, không muốn thả vụ mới.
Tôm cỡ lớn hút hàng
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú dù sản lượng và giá trị xuất khẩu trong tháng 8 sụt giảm, nhưng đối tác ký kết hợp đồng với Tập đoàn đến cuối năm là rất lớn, không lo chuyện tôm không bán được, mà chỉ lo không chế biến được.
Ông Quang cho biết nhu cầu thị trường hiện nay là tôm cỡ lớn (cỡ 10-45 con/kg), loại này rất dễ tiêu thụ, do đó khuyến cáo nông dân nên nuôi tôm lớn bằng việc thả nuôi mật độ thưa, khoảng 100-120 con/m2 hoặc cao nhất là 150 con/m2. Không những vậy, tôm (nguyên liệu) lớn hiện giá thấp hơn trước giãn cách xã hội 10.000 đồng/kg.
Về thị trường tiêu thụ thì ông Quang cho rằng từ nay đến tháng 11 là thời điểm tốt xuất bán cho Châu Âu và Châu Mỹ dịp Noel, sau tháng 11 thì bán cho thị trường châu Á.
Nhằm giúp ổn định sản xuất, nắm bắt các cơ hội thị trường, các đại biểu cho rằng các địa phương phải có quy trình nuôi phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19, ứng với thế mạnh của từng địa phương.
Các nơi kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thu tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào… để tiếp tục tái sản xuất. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Bên cạnh đó phải có giải pháp hữu hiệu quản lý giá thức ăn nuôi tôm, thì cần xem xét hỗ trợ giảm tiền điện cho người nuôi 10-30%, áp dụng từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022…
Theo Tổng cục thủy sản, tính đến hết tháng 8, tôm bố mẹ hiện đang nuôi giữ tại các cơ sở khoảng 55.000 con. Cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng; sản lượng ước đạt 106,6 tỉ con. Từ đầu tháng 7, các cơ sở đã chủ động giảm sản, 15-8 giảm 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động. Diện tích nuôi tôm thương phẩm là 711.766 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó tôm sú là 610.053 ha. Sản lượng tôm thương phẩm 585.000 tấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận