24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, người chăn nuôi lo “lỗ nặng”

Giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng là do giá các nguyên liệu nhập khẩu dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.

Ngành chăn nuôi đang phục hồi sau các trận dịch nên khối lượng nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu tăng là tín hiệu đáng mừng. Song, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tổng đàn gia cầm, gia súc trên cả nước.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng

Theo Cục Chăn nuôi, trong quý I/2021 giá nguyên liệu TACN tiếp tục tăng, cụ thể: ngô hạt tăng 20,3%; khô dầu đậu tương tăng 12,9% … so với giá bình quân quý IV/2020.

Giá các loại nguyên liệu TACN chính chưa thể giảm ngay trong quý II/2021, nhưng sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Đối với giá TACN thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5 -10% tùy loại để đạt được mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại.

Các doanh nghiệp sản xuất TACN như: C.P, Cargill, Guyomarc’h-VCN, Vina, BB Sun Việt Nam, … đã thông báo chính thức tới các đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi. Tính từ lần tăng giá đầu tiên vào thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá TACN thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6 - 7 đợt, tùy doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, trong điều kiện giá TACN tăng lên 30%, đối với con heo hiện nay tình hình còn tương đối nhưng chưa biết những ngày sắp tới TACN sẽ tăng lên như thế nào và giá heo hơi sẽ xuống tới đâu.

Trước đây, chăn nuôi heo chịu ảnh hưởng dịch tả châu Phi nên giá heo hơi tăng cao, nhưng nay giá heo hơi trên thị trường đã xuống dưới mức 70.000 đ/kg là do ảnh hưởng dịch Covid-19 phải hạn chế tập trung đông người, và tâm lý sợ lây lan dịch bệnh nên các hàng quán đóng cửa, số người mua lẫn số người bán đều giảm làm giảm tiêu thụ chợ ế. Giá heo hơi giảm mạnh cũng do các tỉnh phía Bắc không xuất được sang Trung Quốc.

“Sắp tới, nếu dịch tả heo châu Phi chưa khống chế triệt để, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giá TACN vẫn ở mức cao và giá bán heo hơi và gia cầm vẫn như hiện nay thì người nuôi còn cầm cự được, nếu giá bán tiếp tục xuống và giá TACN vẫn tăng thì việc tái đàn, tăng đàn sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Vì khi giá TACN tăng đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là những hộ nuôi heo phải đi mua con giống thì với giá bán heo hơi từ 65.000 - 69.000 đ/kg đã bắt đầu đã lỗ. Trong khi đó, giá TACN tăng lên 30% bà con sẽ cân nhắc rất kỹ việc tái đàn, tăng đàn vì không biết được nếu nhập con giống thì 6 tháng tới tình hình sẽ như thế nào. Riêng đối với hộ chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) giá TACN càng lên thì nông dân càng bị “móc sạch túi”, vì bình thường lợi nhuận đã rất ít nay giá thành đội lên 30% thì lại càng không dám tái đàn hay tăng đàn”, ông Đoán phân tích.

Nhập khẩu TACN tăng 50% so với quý 1/2020

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu TACN và nguyên liệu trong 105 ngày đầu năm 2021 đạt 1,466 tỷ USD, tăng 61,14% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng quý 1/2021 nhập khẩu TACN đạt 1,21 tỷ USD, tăng trên 50% so với quý 1/2020, chiếm 1,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước. Nhóm hàng TACN về Việt Nam trong tháng 3/2021 tăng mạnh 67,2% so với tháng 2/2021, đạt 527,17 triệu USD; so với tháng 3/2020 cũng tăng 79,2%.

TACN nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Achentina chiếm 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này, đạt gần 388,16 triệu USD, tăng 11,2% so với quý 1/2020; trong đó riêng tháng 3/2021 đạt 196,78 triệu USD, tăng 180% so với tháng 2/2021 và tăng 62% so với tháng 3/2020.

Đứng sau thị trường chủ đạo Achentina là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 22,7%, đạt trên 375,04 triệu USD, tăng mạnh 219,7%; riêng tháng 3/2021 nhập khẩu từ thị trường này đạt 97,21 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng 2/2021 nhưng tăng mạnh 221% so với cùng tháng năm trước.

Tiếp đến thị trường Ấn Độ trong tháng 3/2021 tăng mạnh 62,5% so với tháng 2/2021 và tăng 629,7% so với tháng 3/2020, đạt 66,36 triệu USD; công chung cả quý 1/2021 nhập khẩu từ thị trường này cũng tăng mạnh 466% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 131,99 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu TACN từ EU quý 1/2021 cũng tăng mạnh 105% so với quý 1/2020, đạt 110,56 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 18,3%, đạt 84,48 triệu USD.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, người chăn nuôi lo “lỗ nặng”
Nguồn VITIC

Sau khi đạt mức cao nhất vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021, giá TACN đã giảm nhẹ vào cuối tháng 3, tuy nhiên những ngày cuối tháng 4 đến nay giá nguyên liệu TACN có xu hướng tăng nhanh do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyên hướng sang đầu cơ nông sản.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước, tình trạng hạn hán tại Brazil có thể ảnh hưởng đến sản lượng ngô của nước này, cùng với cước phí vận chuyển tăng từ 200-300% so với bình thường (trước Covid-19) do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa trong đó có mặt hàng TACN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả