Giá thịt lợn và câu hỏi về số liệu thống kê tái đàn từ Bộ NN&PTNT
Đến nay, dù nhiều giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra nhằm kiểm soát giá thịt lợn, song giá không giảm mà vẫn tăng ở mức cao. Con số thống kê không chuẩn xác, chính sách lại được đưa ra trên các con số thống kế, phải chă
Dù đã quay đầu giảm nhẹ, nhưng giá thịt lợn hơi trên thị trường vẫn đứng ở mức cao, trong ngày 1/6 giá lợn hơi miền Nam phổ biến từ 92.000 - 97.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Bắc từ 95.000 - 98.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại miền Trung giữ nguyên và giao dịch từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Cách xa rất nhiều so với mức Chính phủ yêu cầu, kéo giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, sau đó là 60.000 đồng/kg.
Thực tế là giá thịt heo ở các chợ truyền thống và siêu thị vẫn đang ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm. Tại siêu thị Big C, giá sườn non 260.000 đồng/kg; ba rọi 173.000 đồng/kg, nạc đùi 161.000 đồng/kg, móng giò 139.000 đồng/kg.
Hệ thống Coop Food phân phối thịt lợn Vissan có giá như sau: Ba rọi rút sườn 225.000 đồng/kg, sườn non 252.000 đồng/kg, collet 138.000 đồng/kg, nạc vai 161.000 đồng/kg,… Trong khi đó, tại các cửa hàng, siêu thị có phân phối thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá phổ biến ở mức từ 87.000 đồng/kg đến 224.000 đồng/kg tùy loại.
Đáng chú ý, sau hơn một tháng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết đồng hành cùng Chính phủ giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh giá lợn hơi lên cao hơn mốc 70.000 đồng/kg.
Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết giá lợn hơi xuất chuồng của doanh nghiệp này vào ngày 27/5 đã tăng lên 81.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.J Đồng Nai, Japfa... cũng điều chỉnh giá lợn hơi lên mức trên 80.000 đồng/kg.
Các chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng giá là chuyện phải chấp nhận. Chúng ta không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm giá lợn, mà đây là mong muốn.
Đến thời điểm này, mọi cố gắng, nỗ lực giảm giá thịt lợn đều đã thực hiện. Tuy nhiên, giá không những không giảm mà còn tăng cao. Có thời điểm lên mức 105.000 đồng/kg lợn hơi. Các chuyên gia cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật, việc giá lợn hơi liên tục tăng trong thời gian vừa qua là do nguồn cung khan hiếm. Điều này cho thấy, giải pháp mấu chốt vẫn là tập trung đẩy mạnh tái đàn trong các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, giá cả thịt lợn do nguyên nhân cung cầu đóng vai trò quan trọng. Thực tế, cũng "hơi nghi ngờ" số liệu thống kê được phía Bộ NN&PTNT đưa ra. Rõ ràng, số liệu thống kê không chuẩn xác, việc hao hụt đàn lợn trong chăn nuôi là đáng kể, trong khi đó, việc phục hồi sau dịch chưa cao. Do đó, đàn lợn của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước.
Chính vì vậy, mặc dù sử dụng rất nhiều các biện pháp khác nhau nhưng giá thịt lợn trên thị trường không những không giảm mà còn tăng cao. Và giải pháp cuối cùng để hạ thấp được giá thịt lợn đó là đi nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, lợn sống và cả lợn giống.
Trong trả lời phỏng vấn mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến xác nhận, đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống. Sở dĩ việc cho phép nhập khẩu cả lợn sống là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước liên tục tăng ở mức cao, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Một số thị trường nhập khẩu lợn sống đã được phía Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tìm hiểu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc này trước mắt sẽ giúp giải quyết thiếu hụt nguồn cung ban đầu. Đặc biệt, việc nhập khẩu lợn sống về giết mổ phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt và ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng đến thị phần của ngành chăn nuôi trong nước. Trong vấn đề này, người tiêu dùng là người được lợi, giúp làm giảm giá mặt hàng thịt lợn – chiếm 70% giỏ thực phẩm của người tiêu dùng.
Trong các báo cáo trước đây, Bộ NN&PTNT đều đưa ra những con số màu hồng về tỷ lệ tái đàn được đưa ra ngay từ những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Báo cáo gần đây nhất của Bộ NN&PTNT đưa ra con số: đến hết tháng 2/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, tương đương 74% với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2019).
Đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn; dự kiến quý II đạt hơn 900 nghìn tấn; quý III đạt hơn 1 triệu tấn; quý IV đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu thống kê, nhu cầu thịt lợn bình quân mỗi quý năm 2018 là khoảng 920 nghìn tấn, Bộ NN&PTNT cho rằng, đến quý III và quý IV/2020 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt lợn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận