Giá thịt lợn sớm nhất đến Quý IV/2020 mới “hạ nhiệt”
Hiện nguồn cung lợn thịt còn thiếu hụt trong khi nhu cầu tăng cao nên ít nhất đến cuối năm 2020 giá thịt lợn mới có thể giảm như trước dịch.
Liên quan đến giá bán mặt hàng thịt lợn, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 15/5, báo chí quan tâm đến nguyên nhân khiến giá thịt lợn chưa có xu hướng giảm do người chăn nuôi, do các khâu trung gian hay do yếu tố nào khác? Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, giá bán thịt lợn hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cung – cầu.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, do dịch tả lợn châu Phi nên ngay từ cuối 2019, nguồn cung mặt hàng thịt lợn đã giảm nặng nề, khiến cho giá thịt lợn có xu hướng tăng. Trước tình trạng này, từ cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã tham mưu thủ tướng về vấn đề bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong đó có thịt lợn.
Mới đây nhất, ngày 7/3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, yêu cầu tập trung chỉ đạo và biện pháp hỗ trợ các DN tham gia bình ổn thị trường, tập trung giảm giá thành sản xuất từ đó giảm giá thành mặt hàng thịt lợn... “Thời gian qua, các Bộ, ngành rất tập trung vào việc giám sát và tìm cách bình ổn giá thịt lợn. Thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương và DN sẽ tiếp tục các biện pháp bình ổn nhằm đưa sản phẩm thịt lợn giá hợp lý đến tay người tiêu dùng”, bà Nga nói.
Lý giải sâu hơn về giá thịt lợn thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá các mặt hàng hóa nói chung, mặt hàng thịt lợn tăng giảm do quy luật cung cầu. Trong thời gian qua, giá lợn luôn ở mức cao khi nguồn cung thiếu hụt sau dịch lợn tả châu Phi đã hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc, kể cả sau này, khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế.
"Hiện nay, trên toàn quốc nhiều tỉnh, thành vẫn chưa công bố hết dịch, do đó nông dân chưa yên tâm tái đàn vì lo ngại lợn có thể bị chết. Hơn nữa, nhiều gia đình gặp khó về nguồn vốn tái đàn, trong khi giống rất đắt có khi lên tới hơn 3 triệu đồng/con lợn giống.", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo ông Hải, năm 2019 cả nước đã thiếu khoảng 20-21% lượng thịt cho thị trường, 3 tháng đầu năm 2020 lại tiếp tục thiếu 20%. Nhiều địa phương còn phản ánh tình trạng cung thịt lợn thiếu tới 50% như tỉnh Bắc Giang hiện cả lợn giống và lợn thịt đều thiếu hụt 50%.
“Đến nay vẫn còn 17 - 18 tỉnh thành trên cả nước chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi vẫn chưa yên tâm để tái đàn nên rõ ràng nguồn cung đang rất thiếu”, ông Hải nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, để đảm bảo nguồn cung giờ chỉ có hai cách, một là tái đàn và đây mới là giải pháp tối ưu, bền vững nhất, song giải pháp này không thể giúp bù đắp lượng thiếu ngay được.
Hiện Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo giá đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành nhập lợn bù đắp lợn thiếu. Tuy nhiên, đến hết tháng 4, theo thống kê của Hải quan, sản lượng thịt lợn nhập mới đạt 45.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ giao.
“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNN tập trung tái đàn, đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Chúng tôi nghĩ rằng, sớm nhất phải hết quý IV/2020 nếu không có gì đột biến, cung thịt lợn mới có thề trở về mức như khi chưa xảy ra dịch và khi đó, giá lợn mới trở về trạng thái ổn định”, ông Hải khẳng định, đồng thời đưa ra khuyến cáo, trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn thiếu hụt như hiện nay, người tiêu dùng cần hướng đến các sản phẩm khác thay thế mặt hàng thịt lợn để giảm nguy cơ khan hiếm thịt lợn, khiến cho giá thịt lợn bị đẩy lên cao.
Cũng tại buổi họp báo, vấn đề được giới báo chí quan tâm chính là tình hình dịch bệnh được dự báo sẽ khiến việc giao thương, xuất khẩu trái vải gặp nhiều khó khăn, cần phải có giải pháp của Bộ Công Thương giúp người nông dân trong tiêu thụ vải trong niên vụ sắp tới?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, thời gian qua, Cục đã tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến với nhiều thị trường gồm cả thị trường châu Âu, châu Mỹ La tinh, Trung Quốc... nhằm thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trong đó có trái vải.
Tuy nhiên, câu chuyện tiêu thụ nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của ngành nông nghiệp, không riêng gì trái vải. Để giải quyết khâu tiêu thụ khi gặp khó khăn trong xuất khẩu, đại diện Bộ Công thương cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn cần phải đẩy mạnh khâu chế biến sau thu hoạch. Thay vì xuất khẩu trái cây tươi, Việt Nam cần tăng cường khâu chế biến để xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận