Giá thịt lợn sẽ ở đỉnh đến hết năm
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam năm 2020 ước sẽ giảm 10%, nhưng giá thịt lợn khó có thể giảm hơn hiện nay mà vẫn duy trì mức cao ở đỉnh đến hết năm 2020.
Còn hơn hai tuần nữa là đến dịp lễ Quốc khánh 2/9, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, nên thị trường không có sự sôi động thường thấy như những năm trước. Tuy vậy, rất nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau, quả… đã đều tăng giá bán, do Nam bộ đang vào mùa mưa, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và sản lượng rau quả sau thu hoạch. Riêng mặt hàng thịt lợn trong suốt 7 tháng đầu năm 2020 đã liên tục tăng giá, ở trên mức 90.000 đồng/kg (giá sỉ), do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung thịt ra thị trường sụt giảm. Cùng với đó, tốc độ tái đàn chậm, gặp nhiều khó khăn do giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ dân chưa muốn thực hiện.
Do đó, số lượng lợn trong các hộ chăn nuôi không nhiều, hơn nữa, chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế phí cao tác động vào, khiến giá thịt lợn khó giảm. Đến tháng 6/2020 khi Việt Nam bắt đầu nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, thì trên thị trường giá thịt lợn có giảm nhẹ từ 6% - 8%. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, thì trong ngắn hạn, giá thịt lợn khó giảm mạnh, bởi nguồn lợn thịt ở Thái Lan còn rất ít. Hiện giá lợn thịt tại nước này cũng đã chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với trước đây.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, tương đương 9,6% tổng đàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các DN nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Dự kiến, trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ để phục vụ công tác phục hồi đàn lợn trong nước. Bên cạnh đó, các DN còn nhập khẩu khoảng 6.000 con lợn bố mẹ, dự kiến sẽ tiếp tục nhập 400.000 con, bảo đảm đủ giống để người chăn nuôi tái đàn lợn cho cả giai đoạn 2021 đến 2024. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 25 triệu con, tương đương gần 81% tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sản lượng thịt lợn từ đầu năm 2020 cũng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi lợn đạt bình quân 5,78%/tháng, riêng 15 DN chăn nuôi lớn trong nước tăng trưởng tới 68,35%.
Cùng với đẩy mạnh tái đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn (so với kế hoạch 100.000 tấn trong năm nay), tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý IV/2020, đàn lợn trong nước sẽ đạt 31 triệu con như trước khi bị dịch. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo, việc nhập khẩu lợn sống về Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, do đó cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn.
Dựa trên phân tích thị trường thế giới và tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi Việt Nam còn rất e dè trong việc tái đàn, có thể đến năm 2021 tình hình mới khả quan hơn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giai đoạn từ năm 2020 – 2021, giá thịt lợn sẽ có những khoảng biến động không lớn và vẫn giữ ở mức cao, nhiều khả năng giá sẽ giảm nhiệt bắt đầu từ giữa năm 2021, giảm trong năm 2022 và ổn định trong những năm tiếp theo. Dự báo, giá thịt lợn đến tháng 9/2020 vẫn ở mức tương đương với cuối tháng 6/2020 (vào khoảng 80.000 đồng – 90.000 đồng/kg), khó có thể xuống thấp hơn 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nguồn cung trong nước vẫn thiếu, hơn nữa nguồn nhập khẩu từ Thái Lan cũng hạn chế và giá nhập khẩu đã tăng cao. Theo tính toán, sớm nhất quý IV/2020, nguồn cung mới tương đương trước khi có dịch.
Về nguồn thịt nhập khẩu trong thời gian tới có thể không dồi dào, ảnh hưởng đến giá thịt lợn. Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn, với quy mô đàn lợn nái cả nước hiện nay, sản lượng thịt lợn năm 2020 có thể đạt 3,9 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu quy mô đàn lợn nái giảm 10%, tương đương 590.000 con, sản lượng thịt lợn sẽ giảm 20%, xuống còn 3,1 triệu tấn, việc giảm 20% đàn lợn nái sẽ dẫn đến giảm 35% sản lượng thịt lợn, xuống còn 2,5 triệu tấn. Vì vậy, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam năm 2020 ước sẽ giảm 10%, nhưng giá thịt lợn khó có thể giảm hơn hiện nay mà vẫn duy trì mức cao ở đỉnh đến hết năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận