Giá rau tăng “phi mã”, khi nào có thể giảm?
Hiện tại, trong bối cảnh giá rau xanh liên tục tăng, nhiều chuyên gia, tiểu thương dự báo, tình trạng này có thể kéo dài khoảng gần 1 tháng tới.
Hơn 2 tuần trở lại đây, tại Hà Nội, giá rau xanh các loại liên tục "leo thang". Sáng 5/11, theo ghi nhận của PV Dân Việt tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá rau xanh vẫn "neo" ở mức cao. Thậm chí nhiều loại rau gia vị như: hành lá, rau mùi, thì là,... có thể lên tới trên 100.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số loại rau củ khác cũng đang giữ ở mức giá cao và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Cụ thể, su hào giá 10.000 - 12.000/củ, súp lơ xanh giá 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, rau muống 25.000 đồng/mớ; bắp cải 20.000 đồng/kg; su su 15.000 đồng/kg; rau cải ngọt, cải ngồng, cải chíp khoảng 10.000 - 15.000 đồng/mớ...
Theo phản ánh của người tiêu dùng, tiểu thương tại các chợ dân sinh, mức giá trên đã tăng từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng tùy loại rau. Chia sẻ với Dân Việt, chị Đỗ Thanh Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện tại, mỗi ngày, gia đình có thể phải chi xấp xỉ 100.000 đồng tiền rau.
"Gia đình tôi có 2 vợ chồng và 3 con, trong đó, 2 cháu ở tuổi mới lớn sức ăn rất tốt. Thời gian vừa rồi, do dịch bệnh, chúng tôi cũng xây dựng thói quen ăn cả 3 bữa ở nhà nên thường chuẩn bị rất nhiều thực phẩm.
Ngay trong đợt thành phố giãn cách xã hội, giá rau trong khoảng 10.000 tới 15.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình tôi chỉ mất khoảng 40.000 tới 50.000 đồng tiền rau các loại. Nhưng với mức giá có thể lên tới 30.000 – 40.000 đồng/kg như hiện tại, mỗi ngày tính cả các loại rau sống, gia vị, tôi có thể phải chi tới hơn 100.000 đồng/kg", chị Hằng cho biết.
Nhận định về nguyên nhân giá rau xanh các loại liên tục "nhảy múa", chị Liêm, một tiểu thương tại chợ Mỹ Đình cho hay, hiện nay đang là thời điểm giao mùa dẫn tới tình trạng khan hiếm. Cùng với đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng dẫn tới giá rau cao.
"Các loại rau cải hay rau sống quen thuộc như xà lách, mùi, hành lá,… gần đến ngày thu hoạch lại mưa gây úng dập, nhiều nơi phải gieo hạt lại. Hiện nguồn hàng khan hiếm dẫn tới giá cao, lúc trước tôi có thể lấy rau ở các chợ đầu mối. Bây giờ, tôi phải huy động người nhà ra tận các Hợp tác xã rau như ở Đông Anh, Lĩnh Nam,… để lấy rau, tuy nhiên, lãi vẫn rất "mỏng" chỉ đủ xăng xe", chị Liêm cho biết.
Cùng với đó, vị tiểu thương này cũng dự báo, với việc các đơn vị sản xuất, cung cấp rau xanh gặp điều kiện thời tiết xấu, nhiều khả năng giá rau sẽ còn "neo" cao trong khoảng 2 đến 3 tuần tới.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đánh giá, sau khi trải qua thời kỳ giao vụ, giá rau mới có thể trở lại.
"Đây đang là thời kỳ gieo hạt, rau mùa hè đã hết, rau vụ đông còn khoảng 1 tháng mới có thể thu hoạch. Đến khi đó, giá rau có thể trở lại mức cũ", ông Phú dự báo.
Cùng với đó, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, giá rau xanh cũng như các ngành hàng khác bị ảnh hưởng bởi giá xăng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng biện pháp hành chính để điều hành giá, tránh tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm".
"Về giá cước vận tải, chỉ có một số lĩnh vực như vận chuyển hành khách được nhà nước quản lý. Giá cước vận tải hàng hóa được thả lỏng theo thị trường. Ví dụ như giá cước taxi, các phương tiện vận chuyển hành khách khi tăng giảm cần phải báo với ngành chức năng địa phương. Đối với vận tải hàng hóa, giá sẽ tăng giảm gần như ngay lập tức với biến động của giá xăng, điều này kéo theo sự điều chỉnh giá của các loại hàng hóa, dịch vụ khác.
Tuy nhiên, điều đáng nói và gây bức xúc là tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm". Theo đúng quy định trong Luật Giá, những khi giá dịch vụ và hàng hóa tăng đột biến, nhà nước có quyền kiểm soát và yêu cầu kê khai. Khi đã có công cụ này trong tay, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường sử dụng để người dân được sử dụng hàng hóa, dịch vụ với mức giá hợp lý", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận