24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá quặng sắt lao dốc về mức thấp nhất trong 4 tháng qua

Các dấu hiệu phục hồi nguồn cung ở Brazil, Úc và các lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc khiến giá quặng sắt lao dốc về mức thấp nhất trong 4 tháng qua.

Hôm 12-8, giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% xuất cho thị trường Trung Quốc giảm 3,2% về mức 90,5 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong bốn tháng qua. Tuần trước, thị trường quặng sắt giao ngay đã rơi vào thời kỳ "con gấu" (giảm điểm) do giảm hơn 20% so với mức đỉnh gần nhất.

Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 12-8 ở Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), hợp đồng quặng sắt tương lai giao vào tháng 1-2020 giảm 5,2% về mức 612 nhân dân tệ (86,6 đô la)/tấn, nới rộng đà giảm tính từ đỉnh cao 816 nhân dân tệ/tấn lên mức 23,8%.

Tương tự, trong phiên giao dịch hồi cuối tuần trước, giá quặng sắt trên thị trường hàng hóa tương lai Singapore, cũng giảm 1,9% về mức 87,35 đô la/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 3-2019. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá quặng sắt tương lai ở Singapore đã giảm 25%.

Diễn biến đảo chiều trên thị trường quặng sắt khá bất ngờ vì hồi tháng trước, giá quặng sắt vẫn đang ở đỉnh giá cao nhất trong 5 năm.

Thị trường thất vọng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phát đi thông điệp vào hôm 9-8 rằng PBoC sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận có chọn lọc để củng cố tăng trưởng của Trung Quốc, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới. Điều này làm tăng các lo lắng về nhu cầu quặng sắt giữa lúc tăng trưởng toàn cầu bị đe dọa do rạn nứt thương mại Mỹ-Trung ngày càng nới rộng.

Daniel Hynes, nhà chiến lược hàng hóa cao cấp ở Ngân hàng ANZ, nhận định tâm lý thị trường ảm đạm khi nguồn cung quặng sắt có dấu hiệu phục hồi nhưng nhu cầu lại suy yếu.

“Sản lượng quặng sắt của tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil) bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm nay, trong khi đó, tác động do các sự cố gián đoạn sản xuất hồi đầu năm ở Úc cũng đã giảm và xuất khẩu quặng sắt của nước này đang tăng”, Hynes nói.

Tập đoàn khai khoáng Vale, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã phải tạm dừng công suất khai thác 93 triệu tấn quặng sắt sau sự cố vỡ đập chất thải Brumadinho xảy ra hồi tháng 1-2019 ở mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, Brazil, khiến ít nhất 237 người thiệt mạng. Tuy nhiên, đến cuối năm nay, tập đoàn này sẽ phục hồi xuất khẩu khoảng phân nửa trong số 4% nguồn cung quặng sắt toàn cầu bị thu hẹp do sự cố vỡ đập chất thải Brumadinho.

Giá quặng sắt tương lai ở Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) cũng đang giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg

Ngoài yếu tố nguồn cung phục hồi, Hynes cho rằng các căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các dấu hiệu ít ỏi trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư hạ tầng ở Trung Quốc cũng đang gây áp lực giảm giá đối với quặng sắt, thành phần chính để sản xuất thép xây dựng.

“Các diễn biến đáng ngại trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung xảy ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn đối với thị trường quặng sắt. Chúng ta cũng đang chứng kiến mức cải thiện tương đối yếu ớt về chi tiêu đầu tư hạ tầng ở Trung Quốc. Hai vấn đề này ập đến cùng một lúc nên không có gì ngạc nhiên khi hoạt động bán tháo diễn ra sau khi giá quặng sắt tăng tương đối nóng”.

Nhu cầu cũng chịu áp lực khi lượng quặng sắt tồn kho tại các cảng ở Trung Quốc đã tăng lên mức 122,5 triệu tấn vào tuần trước, mức cao nhất kể từ hồi đầu tháng 6.

Ngoài ra, các nhà chiến lược ở Ngân hàng Westpac (Úc) cho rằng lượng thép xây dựng tồn kho đang gia tăng ở Trung Quốc không chỉ gây áp lực cho giá thép mà cả giá quặng sắt.

“Giá thép suy giảm trong khi lượng thép tồn kho tăng ở Trung Quốc có sức tác động lớn đến cú đảo chiều của giá quặng sắt”, Robert Rennie, Giám đốc chiến lược thị trường tài chính ở Ngân hàng Westpac, nhận định.

Công ty môi giới Shanghai Cifco nhận định một số công ty buôn bán quặng sắt lớn đang xả hàng tích trữ mua lúc giá thấp vì vậy, chưa có dấu hiệu cho thấy giá quặng sắt chạm đáy. Theo các nhà phân tích của Shanghai Cifco, các nhà máy thép ở Trung Quốc vẫn chưa mua thêm quặng sắt vì kỳ vọng giá còn giảm.

Hồi đầu tuần trước, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cũng nhận định giá quặng sắt có thể giảm tiếp do nhu cầu tiêu thép ở Trung Quốc đang giảm. Ngân hàng Thịnh vượng Úc (CBA) cho biết các nhà máy ở Trung Quốc không mua thêm quặng sắt để tích trữ dù giá đang giảm và nhu cầu quặng sắt suy yếu ở Trung Quốc “phản ánh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung”, bao gồm việc Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Sydney Morning Herald

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả