24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá nguyên liệu tăng cao, ngành chăn nuôi lao đao

Ngành chăn nuôi trong nước đang gánh chịu khó khăn “kép” khi giá thành phẩm không tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nóng liên tục, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phá sản, nhà chăn nuôi lao đao, bỏ chuồng trại.

Đại diện Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN cho biết, do giá thành nguồn nguyên vật liệu tăng cao, nên công ty phải tăng giá bán đối với sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm. Cụ thể, các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà tăng 400 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp cho heo con tăng 400 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp cho heo nái và heo thịt tăng 350 đồng/kg… Giá này được công ty áp dụng từ đầu tháng 5/2021 đối với các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Tháp và tất cả các kho trung chuyển.

Tương tự, nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Công ty cổ phần ABC Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty C.P Việt Nam… ngay từ tháng 3 hay tháng 4/2021 đã gửi thông báo tới các đại lý, khách hàng về việc tăng giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, với mức tăng trung bình từ 300 đồng – 1.000 đồng/kg với lý do giá của nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất liên tục tăng cao và hạn hẹp về nguồn hàng.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay trên thị trường giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có chiều hướng giảm, dự kiến sau khi tăng chừng 5 – 10% trong những tháng tiếp theo, có thể mức giá sẽ giảm dần vào quý III/2021. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước đang gánh chịu khó khăn “kép” khi giá thành phẩm không tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nóng liên tục, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phá sản, nhà chăn nuôi lao đao, bỏ chuồng trại.

Bà Trần Thị Quý, chủ trại heo ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho rằng, chưa bao giờ giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nhiều lần và “neo” ở mức cao như hiện nay. Tính ra mỗi bao cám 25kg đã tăng tới 40.000 – 50.000 đồng từ tháng 10/2020 đến thời điểm hiện tại. Mức tăng “chóng mặt” như vậy khiến người chăn nuôi khó có thể cầm cự kéo dài, nguy cơ treo chuồng trại, khó tái đàn đang hiện hữu.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đánh giá, tại địa phương trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021 chỉ nuôi heo là có lời do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả heo châu Phi trước đó. Còn lại, chăn nuôi gà, vịt, lấy thịt, lấy trứng đều thua lỗ nặng nề do giá thức ăn cho gà ta tăng khoảng 4.500 đồng/kg, gà công nghiệp tăng khoảng 2.700 đồng/kg…. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và chưa có dấu hiệu ngưng lại không chỉ tác động trực tiếp đến giá bán sản phẩm, xuất chuồng trại của nhiều hộ trong cả khu vực tỉnh Đồng Nai, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến ngành chăn nuôi cả nước nói chung.

Bàn về vấn đề này, ông Ngô Quốc Cường, Chủ tịch Công ty Công nghệ Sinh học R.E.P (chuyên về chế phẩm sinh học công nghệ cao trong thức ăn chăn nuôi) nhận định rằng, giá thức ăn chăn nuôi trong nước thời gian qua tăng cao là do nhiều nguyên nhân tác động, mà trước hết và chủ yếu là do giá nguyên vật liệu tăng liên tiếp trong thời gian dài.

Đối với sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80 - 85% với giá thành sản xuất. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu chính dùng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm đến 70 - 80%. Trong bối cảnh gần đây, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do dịch bệnh Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Đồng thời, Trung Quốc “đột ngột” mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản với số lượng lớn dẫn đến giá tăng trên toàn cầu.

“Để giảm giá thành, hướng đến chăn nuôi bền vững, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến. Quản trị tốt nguồn nguyên liệu, cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trang trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, giảm thấp nhất FCR/đơn vị sản phẩm chăn nuôi” – ông Cường đưa ra lời khuyên.

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, tổng lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu năm 2020 đạt 20,2 triệu tấn (tương đương 6,0 tỷ USD), chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ, đạt 2,09 tỷ USD. Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro khi giá thế giới biến động. Chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết đẩy giá thành lên cao và không chia sẻ được rủi ro nên sẽ dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ, phá sản. Đây là khó khăn chung của ngành nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi từ thức ăn chăn nuôi, chuồng trại đến chế biến kinh doanh thịt phát triển trong tương lai.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả