Giá lương thực thế giới tiếp tục tăng gần kỷ lục, thúc đẩy lạm phát tăng cao
Giá lương thực thế giới tiếp tục tăng gần mức cao kỷ lục khiến người tiêu dùng và các chính phủ trên thế giới phải đau đầu về lạm phát thậm chí còn lớn hơn.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực của thế giới vào tháng 11 đã tăng 1,2%. Đó là bằng chứng nhiều hơn về lạm phát tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể khiến các quốc gia nghèo nhất khó nhập khẩu lương thực hơn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về đói nghèo.
Giá cả đã tăng vọt vì nhiều lý do: thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến mùa màng, giá vận chuyển cao hơn, thiếu công nhân và cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, và chi phí phân bón cũng tăng.
Mặc dù thường phải mất một khoảng thời gian để chi phí hàng hóa giảm xuống tại các siêu thị, nhưng xu hướng gia tăng của giá lương thực đang gợi lại ký ức về những đợt tăng giá lương thực đột biến vào năm 2008 và 2011 đã góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao của FAO cho biết: “Đây rõ ràng là một tin xấu đối với người tiêu dùng”.
Trong một báo cáo hôm 2/12, FAO cho biết, mức tăng cao hơn của tháng 11 chủ yếu do ngũ cốc và sữa thúc đẩy, trong khi giá dầu thực vật và thịt giảm.
Giá thực phẩm cao hơn đang gây áp lực lên ngân sách của người tiêu dùng vốn đã căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 và chi phí năng lượng cao. Có vẻ như người mua sắm sẽ cảm thấy tác động của lạm phát trong nhiều tháng tới khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.
Điều đó đang tạo ra một tình thế khó xử về chính sách cho các ngân hàng trung ương về việc làm thế nào để quay trở lại các biện pháp kích thích nhanh chóng. Tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết, cuộc họp tiếp theo của họ nên thảo luận về việc có nên kết thúc việc mua trái phiếu sớm hơn vài tháng hay không và bỏ từ “nhất thời” khi mô tả về lạm phát đang xó xu hướng không ngừng tăng cao.
Nhà kinh tế Abbassian cho biết, trong khi giá lương thực khó có thể nhanh chóng giảm trở lại, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và những lo ngại về sự lây lan của biến thể omicron có thể sẽ kìm hãm đà tăng do “thị trường dự đoán nhu cầu sẽ giảm dần”.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn không chắc chắn vì chi phí phân bón cao và khả năng thời tiết xấu ảnh hưởng đến mùa màng có thể hạn chế nguồn cung cấp lương thực.
Hóa đơn thực phẩm
FAO vào tháng trước cho biết, hóa đơn nhập khẩu lương thực của thế giới thậm chí sẽ tăng cao hơn mức dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay vì các mặt hàng chủ lực và chi phí vận chuyển cao.
Một mối lo đặc biệt là chi phí nhập khẩu ở các nước nghèo đang tăng nhanh hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển, một điều đang trở thành vấn đề ngày càng tăng ở các khu vực phụ thuộc vào vận chuyển hàng cung cấp.
Các quan chức ở các khu vực như Bắc Phi - một trong những nhà nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới - và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc bảo vệ người dân khỏi thực phẩm đắt đỏ. Ở những quốc gia khác, Serbia đang đặt ra giới hạn giá một số mặt hàng chủ lực bao gồm sữa và bột mì để hạn chế tăng giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận