24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá lợn hơi và gia cầm đang "rơi tự do", ngành chăn nuôi đối mặt với nguy cơ đổ vỡ

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với giá thức ăn gia súc tăng liên tục, trong khi giá lợn hơi và giá gia cầm xuất chuồng đang “rơi tự do” đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi...

Làm gì để ngành chăn nuôi trụ vững, đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là câu hỏi trăn trở nhất được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 8/10/2021.

TỒN ĐỌNG HÀNG TRIỆU CON LỢN, GIA CẦM QUÁ LỨA

Theo Cục Chăn nuôi, tính chung 9 tháng của năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với gia súc ăn cỏ, đàn bò cả nước hiện đạt gần 6,3 triệu con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020; đàn trâu còn 2,34 triệu con, giảm 3,8%; hiện nay cả nước có trên 2,65 triệu con dê và khoảng 115.000 con cừu.

Đàn lợn cả nước đến hết tháng 9/2021 có khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. Vấn đề này đã gây tác động tiêu cực dây chuyền, khiến giá thịt lợn xuất chuồng đang giảm rất mạnh.

Cụ thể, nếu như trong tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-55.000 đồng/kg. Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi bình quân đang dao động chỉ từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng.

"Hôm nay có nơi báo với tôi, lợn hơi đã giảm xuống mức 33.000-35.000 đồng/kg, thương lái vẫn không muốn bắt", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin.

"Giá lợn hơi sẽ tiếp tục “rơi tự do” trong tháng 10 này và mức giá 25.000 đồng/kg đang được dự báo có thể chưa phải là mức đáy. Với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, thì mỗi con lợn bị lỗ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng". Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung

Rất bi quan về diễn biến giá đầu ra trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung, cho rằng giá lợn hơi sẽ còn rất nhiều biến động và có thể tiếp tục giảm sâu.

“Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu người nuôi phải mua con giống thì mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng đã lên đến 60.000-65.000 đồng. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt, thì giá thành vào khoảng 45.000-50.000 đồng/kg", ông Thành giãi bày.

Đối với gia cầm, Cục Chăn nuôi cho hay, hiện nay đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với tháng 10/2020. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao.

Đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5-10% số lượng gà công nghiệp lông trắng.

Hiện lượng gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng tại khu vực này ứ đọng trên 9,3 triệu con với khối lượng trên 3,8kg/con, trong khi bình thường gà xuất chuồng ở trọng lượng 1,8-2,5 kg. Với gà lông màu, hiện cũng tồn đọng khoảng 30% số lượng nuôi.

Bên cạnh lợn và gia cầm, giá một số loại gia súc lớn cũng không cao. Giá bò thịt dao động từ 85.000 - 100.000 đồng/kg. Giá dê thịt ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg.

VIỆC CẦN LÀM LÀ PHẢI TIÊU THỤ HẾT SẢN PHẨM TỒN

Lý giải về tình trạng bi đát của ngành chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam khiến đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi.

Phân tích cụ thể hơn, ông Trọng cho biết giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16 - 36%. Chi phí sản xuất tăng, trong khi khâu lưu thông bị gián đoạn, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tình hình này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn mới đủ sức trụ vững.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay nhiều địa phương đã khống chế được dịch Covid-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Các địa phương cần tiếp tục khôi phục, ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10 - 12% trước, trong và sau dịp Tết nguyên Đán 2022.

"Các bộ ngành, địa phương cần phối hợp chỉ đạo khi phương tiện vận chuyển và người trên phương tiện vận chuyển đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19 thì cho vận chuyển lưu thông hàng hóa, không nên phát sinh thủ tục hành chính". Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Việc cần làm hiện nay là cố gắng tiêu thụ hết sản phẩm gia súc, gia cầm hiện còn tồn đọng trong chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để ngành chăn nuôi trụ vững, rất cần Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương có các giải pháo tháo gỡ mạnh tay. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.

Nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ Công Thương, các địa phương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cùng với đó, cần bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành.

"Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần sớm có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả