Giá khí đốt Châu Âu giảm 9%,
Ngày 16/9, giá khí đốt tại châu Âu giảm 9% so với hôm trước, ở mức 195 euro/mwh (194 USD/mwh).
Theo Trading Economics, ngày 16/9, giá khí đốt tại châu Âu giảm 9% so với hôm trước, ở mức 195 euro/mwh (194 USD/mwh). Trước bối cảnh ngành công nghiệp EU đối diện với khủng hoảng thiếu năng lượng, nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, lãnh đạo các nước đang nỗ lực kiểm soát giá khí đốt.
Cộng hòa Czech, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 30/9, để tìm cách ổn định thị trường năng lượng khu vực trước khi mùa Đông tới.
Trong khi châu Âu và châu Á đang tìm nguồn khí đốt hóa lỏng LNG nhằm dự trữ thì ngày 15/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết một đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Trung Quốc sẽ thay thế đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tới EU.
Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, Moscow tuyên bố Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 trong tương lai. Khối lượng khí đốt được cung cấp này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Nord Stream 2 là khoảng 55 tỷ m3, hệ thống đã ngừng hoạt động kể từ hôm 2/9. Đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vốn tiêu thụ nhiều năng lượng. Hoạt động xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024. Động thái này của Nga và Trung Quốc có thể đẩy thị trường giá khí đốt nhiều biến động trong thời gian tới.
Giá khí đốt của Anh ngày 16/9 ở mức 345 xu Anh/therm (3,97 USD/therm), giảm 10,6% so với ngày hôm trước và vẫn thấp hơn 34,3% so với mức giá đỉnh (26/8). Với mức giá hiện tại, Anh đã hạ 48,5% giá khí đốt từ mức kỷ lục 664 xu Anh/therm (26/8).
Cùng với Anh và châu Âu, ngày 16/9, giá khí đốt tại Mỹ là 8,09 USD/MMBtu, hạ 2,73% so với ngày trước đó.
Theo South China Morning Post, hai nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới là Korea Gas của Hàn Quốc và Jera của Nhật Bản đã ra thông báo đấu thầu để mua lượng lớn LNG tại thị trường giao ngay nhằm dự trữ cho mùa Đông và bảo đảm an ninh năng lượng đến năm 2024. Giới quan sát cho rằng, Tokyo và Seoul sẵn sàng trả giá cao hơn để có được LNG từ Mỹ và Trung Đông. Trong khi đó, EU cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung LNG nhằm thay thế khí đốt từ Nga. So với một năm trước, giá LNG ở châu Âu đã tăng gần 5 lần. Sự tranh giành LNG có thể sẽ đẩy giá khí đốt hóa lỏng tại thị trường Mỹ lên cao hơn trong thời tới.
Thiếu than ở châu Âu, khai thác than tại Australia giảm đã duy trì giá than nhiệt thế giới neo ở mức cao trên 400 USD/tấn kể từ giữa tháng 7 tới nay. Theo Reuters, mới đây, sản lượng than của Trung Quốc cũng xuống mức thấp nhất trong 3 tháng do một số mỏ trong các khu vực khai thác lớn giảm hoạt động hoặc ngừng khai thác do mưa lớn và các biện pháp hạn chế Covid-19. Điều này cũng khiến thị trường than thế giới chưa thể hạ nhiệt.
Giá than nhiệt Newcastle (Australia) ngày 16/9 ở mức 445 USD/tấn, tăng 0,29% so với hôm trước, cao hơn 2% so với mức giá đỉnh được thiết lập giữa tháng 7.
Giá than cốc dùng trong luyện thép của Australia là 248 USD/tấn, thấp hơn 1,98% so với ngày hôm trước, tương đương với mức giá giữa tháng 7.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận