Giá dầu châu Á hướng tới mức tăng khiêm tốn khi kết thúc năm 2022
Giá dầu châu Á phục hồi trong chiều 30/12 và hướng tới năm tăng thứ hai liên tiếp dù mức tăng khá khiêm tốn, khép lại một năm đầy sóng gió ở cả phía cung lẫn phía cầu.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 59 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 84,05 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), sau khi giảm 1,2% trong phiên trước đó.
Dầu Brent đang trên đà kết thúc năm với mức tăng 8%, thấp hơn đáng kể mức tăng 50,2% của năm 2021. Giá loại dầu này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 là 139,13 USD/thùng vào tháng 3/2022, sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát. Sự kiện đó đã dẫn tới nhiều lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng và nguồn cung.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên 30/12 cũng tăng 50 xu Mỹ (0,6%) lên mức 78,90 USD/thùng sau khi đóng cửa giảm 0,7% vào ngày 29/12. Loại dầu này đang trên đà tăng 4,8% trong cả năm 2022 sau mức tăng 55% của năm trước.
Nhà phân tích Leon Li của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết trong khi hoạt động du lịch gia tăng vào dịp cuối năm cùng các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp lên dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga đang hỗ trợ giá “vàng đen”, việc giảm tiêu thụ dầu do môi trường kinh tế xấu đi trong năm tới sẽ xóa bớt những tác động nâng đỡ trên.
Theo chuyên gia Li, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhanh vào năm 2023 và hạn chế nhu cầu năng lượng. Vì vậy, ông dự báo giá dầu có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng vào năm tới.
Về triển vọng nguồn cung, giới chuyên gia nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ thúc đẩy Nga chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm thô và tinh chế từ châu Âu sang châu Á.
Nhà phân tích Ewa Manthey của ngân hàng ING đánh giá 2022 là một năm đặc biệt đối với thị trường hàng hóa, khi những rủi ro về nguồn cung dẫn đến nhiều giai đoạn giá tăng giảm thất thường. Năm 2023 tới sẽ là lại một năm nhiều bất ổn khác với những biến động khó lường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận