Giá đất vùng ven Hà Nội tăng dựng đứng: Quán bán gà, vịt thành trung tâm tư vấn đất đai
Cơn sốt đất đã thổi giá đất vùng ven Hà Nội tăng dựng đứng khi có thông tin về quy hoạch ở một vài huyện và nhiều người ở địa phương, kể cả quán bán gà vịt cũng trở thành trung tâm tư vấn đất đai,
Đất vùng ven, ngoại thành Hà Nội đang tăng giá vùn vụt, bất chấp tác động của Covid-19. Trong đó, giá đất tại các huyện dự kiến lên quận trong thời gian tới như: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm đang liên tiếp thiết lập các kỷ lục về giá, ngang ngửa với đất trong nội thành. Đặc biệt, giá đất tại các huyện xa trung tâm như Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất... cũng tăng vùn vụt theo thông tin quy hoạch, phát triển dự án khu đô thị mới.
Ghi nhận thực tế cho thấy, mặt bằng giá đất hiện nay tại các huyện ngoài trung tâm Hà Nội vẫn trong xu thế tăng. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, từ đất trong khu dân cư đến các khu đấu giá và dự án khu đô thị đều cao, trung bình giá đất tăng từ 50-70% so với năm 2019. Cá biệt, đất thổ cư trung tâm thị trấn Đông Anh giao động khoảng 120 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Tương tự tại khu vực đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng như Gia Lâm, giá đất cũng đang tăng trưởng "dựng đứng" trong 2 năm trở lại đây. Trong đó, giá đất tại thị trấn Trâu Quỳ hiện đang có mức giá khoảng 150 - 170 triệu đồng, hay đất tại các xã như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư cũng rơi khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, giá đất mặt đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) với mức giá dao động quanh mức 100 triệu đồng/m2; giá đất khu vực dọc Quốc lộ 32, thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) đang được rao bán với giá dao động từ 100 triệu đồng/m2 trở lên đang có mức giá cao nhất; giá đất tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) cũng dao động trong khoảng 80 - 120 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng (huyện Đan Phượng) chia sẻ, giá đất ở huyện Đan Phượng đã tăng cao, so với năm 2020, hiện tại rất nhiều mảnh đất ở Tân Hội (Đan Phượng) giá từ 40 - 44 triệu đồng/m2 lên mức 55 triệu đồng/m2, đất thổ cư sát ngay các khu đô thị thuộc Tân Hội giá cũng tăng từ 40 - 42 triệu đồng/m2 lên mức 47 - 48 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ to, ô tô tránh nhau, giá cũng tăng từ 18 - 22 triệu đồng/m2 lên mức 20 - 25 triệu đồng/m2…
Sau những cơn sốt đất xảy ra tại xã Đồng Trúc, xã Bình Yên (Thạch Thất) và Bắc Phù Cát (Quốc Oai) thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều "cò đất" là bà chủ quán cơm, ông mổ gà… Dù không phải làm nghề kinh doanh bất động sản, nhưng hễ có nguồn tin người mua kẻ bán là sẵn sàng truyền tin ngay.
Bên cạnh những khu vực đất đang "sốt sình sịch" đã xuất hiện rất nhiều "môi giới" xuất thân từ những bác xe ôm, người bán nước… thậm chí có những người bỏ cả nghề chính để đi môi giới bán đất; có người sẵn sàng đóng quầy hàng để đưa khách đi xem đất, xem nhà. Điều này tuy khá tiện cho khách nhưng cũng có thể gây phiền nếu "cò" quá xông xáo.
Khảo sát dọc theo đại lộ theo đại lộ Thăng Long tới Hoà Lạc hàng loạt "Trung tâm môi giới nhà đất" đua nhau mọc lên hai bên đường. Có những trung tâm quy mô lớn với bảng biển in to hoành tráng, nhưng cũng có những điểm tư vấn đất đai nằm trong quán trà đá, cơm, khu bán gà vịt…
Trở lại Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) những ngày đầu tháng 3 này, trong vai một người tìm mua đất, PV được chính ông Hoàng Hữu Thành (50 tuổi, xã Đồng Trúc) - ông chủ bán gà vịt bên đường gom đại lộ Thăng Long tư vấn mua bán đất. Ông Thành giới thiệu mình "thổ địa" tại Đồng Trúc, những thông tin mình đưa ra không giống như "cò đất" và có lợi tốt nhất cho người mua.
"Nghề chính của tôi là bán gà vịt thôi, nhưng tôi cũng có hơn 20 năm theo dõi thị trường đất đai ở đây lên rất hiểu giá cả. Tôi kết nối nhiều người mua được đất tại đây, rồi lại nhờ tôi bán hộ. Xong mỗi giao dịch thành công, anh em lại cho tôi quà là 5 hay 10 triệu đồng tuỳ từng việc", ông Thành chia sẻ.
Kể lại cơn "sốt đất" đầu năm 2020 tại Đồng Trúc, ông Thành cho biết, cơ sốt đất đó do nhiều "cò đất" ở các nơi về thổi giá, người mua đa phần là dân đầu cơ ngắn hạn. Giá đất tăng luôn trong ngày, nhưng thực tế chỉ là mua bán "cọc chồng cọc".
"Hiện tại, giá đất ở nhiều khu Đồng Trúc đã quá cao so với thực tế, khả năng "lướt sóng" có lợi nhuận là không lớn. Nhưng đối với người đầu tư dài hạn thì vẫn có thể sinh lời bền vững khi đầu tư đất vào đây, bởi thời gian tới hạ tầng khu vực này sẽ được đầu tư ăn theo các dự án khu đô thị quy mô lớn và chính từ sự phát triển của địa phương", ông T. nói.
Tương tự như ông Thành, bà Hương (51 tuổi, xã Đồng Trúc) bán cơm, lẩu kiêm "môi giới bất động sản" chia sẻ rằng: "Người ta từ đâu đâu còn về đây thuê đất, thuê mặt bằng làm môi giới kiếm tiền, có người chỉ sau một tuần tậu ôtô thì không có lý do mình không làm".
Tuy nhiên, những người "cò đất" không chuyên này thừa nhận, đây chỉ là nghề "tay trái" để kiếm thêm thu nhập. Nguồn sản phẩm mình đưa ra tới khách hàng là không lớn nhưng pháp lý an toàn kiểu "sổ đỏ trao tay".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận