Giá đất tăng cao làm khó doanh nghiệp
Trong 3-4 năm trở lại đây, giá đất tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đã tăng chóng mặt, thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh dựa vào nhà xưởng và mặt bằng.
Ngay cả những vùng xa của TP.HCM bây giờ doanh nghiệp cũng khó kiếm được đất để làm nhà xưởng, vì giá cũng đã được đẩy lên nhiều lần so với cách đây 5 năm.
Ngốn hết vốn kinh doanh
Nếu như trước đây một doanh nghiệp bỏ ra 4-5 tỉ đồng là có thể mua được một miếng đất làm nhà xưởng ở vùng ven TP.HCM thuận tiện đường sá giao thông để làm cơ sở sản xuất và kinh doanh thì nay cần tới vài chục tỉ đồng, có thể vài triệu USD.
Như vậy, chỉ giá đất đã ngốn hết toàn bộ vốn đầu tư theo dự tính nên doanh nghiệp không dám tham gia hay mở rộng sản xuất.
Với những doanh nghiệp đã có sẵn khách hàng hay thị trường thì buộc phải đến những vùng sâu vùng xa hơn mới có đất vừa túi tiền. Nhưng đổi lại sẽ tốn chi phí vận chuyển, xây dựng, tuyển dụng, quản lý... từ đó dẫn đến tăng giá thành sản xuất.
Doanh nghiệp phải đi tìm đất xa hơn, ở các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang... thì đợt sốt đất vùng ven từ 2018-2019 cũng đã đẩy giá đất ở các địa phương này lên nhiều lần. Chi phí đất đai đang trở thành gánh nặng nhất cho doanh nghiệp muốn khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc tăng giá do giới đầu cơ thổi giá, giá đất sản xuất kinh doanh tăng còn do sự thay đổi về khung giá đất của các địa phương 5 năm một lần theo quy định của Nhà nước.
Về lý thuyết, việc thay đổi khung giá đất là để giá đất Nhà nước quản lý không quá chênh lệch so với giá thị trường, qua đó có căn cứ để tính nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư thuê đất nhằm tăng nguồn thu cho Nhà nước, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, việc một số địa phương thời gian qua đã tăng khung giá đất lên quá cao lại trở thành lực cản cho thu hút đầu tư vào các địa phương này.
Các doanh nghiệp đầu tư đều phải tính toán tiền thuê đất, tiền đầu tư hạ tầng, máy móc... Nếu tiền thuê mua đất quá cao thì họ phải cân nhắc hoặc giảm quy mô sản xuất, hoặc phải chuyển sang các địa phương khác có giá đất thấp hơn để tiếp tục hoạt động.
"Chi phí đất đai đang trở thành gánh nặng nhất cho doanh nghiệp muốn khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh... Một số địa phương thời gian qua tăng khung giá đất lên quá cao đang trở thành lực cản cho thu hút đầu tư" Ông Lê Văn Hoan
Cân nhắc kỹ khi điều chỉnh giá đất
Năm 2020, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Nguồn vốn của doanh nghiệp bị suy giảm rất nhiều, việc phục hồi lại sản xuất kinh doanh đã là một việc khó trong thời gian tới.
Trong khi đó, do tính chất mở của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều nước có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sau dịch bệnh Covid-19 trong khi doanh nghiệp Việt Nam đa số là nhỏ và thiếu vốn sẽ rất cạnh tranh trong thời gian tới.
Nếu các chi phí đầu vào như đất đai vẫn tiếp tục tăng thì thực sự là một bài toán khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể phát triển.
Vì vậy, tôi cho rằng các địa phương và Chính phủ cần cân nhắc trong việc điều chỉnh giá đất làm sao thu hút được doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các địa phương cần có những quỹ đất lớn để phát triển khu công nghiệp với các chính sách thu hút hấp dẫn cả về giá thuê, ưu đãi lãi suất và các thủ tục. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm tính toán đầu tư lâu dài vào các ngành sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm và của cải cho xã hội.
Tăng khung giá đất nhanh hỗ trợ đẩy giá bất động sản
Việc tăng giá đất của Nhà nước để đuổi theo các cơn sốt đất xây dựng khu dân cư, đất phân lô bán nền vô hình trung trở thành rào cản đối với thu hút sản xuất kinh doanh. Trong khi sản xuất kinh doanh phát triển thì mới thu hút được nguồn nhân lực, tạo ra hàng hóa, thu nhập cho địa phương và lấp đầy các khu dân cư mới.
Nhìn rộng hơn, việc tăng khung giá đất nhà nước lên quá nhanh và quá cao lại có yếu tố hỗ trợ ngành bất động sản và buôn bán đất như trong thời gian qua. Điều này sẽ gây ra một hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
Đó là khi điều kiện sản xuất kinh doanh gặp khó mà giá đất liên tục tăng sẽ khiến nhiều người thay vì đổ tiền vào sản xuất kinh doanh sẽ bỏ tiền vào bất động sản để kiếm lời nhanh hơn.
Như thế về lâu dài, vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh tạo hàng hóa và giá trị gia tăng cho nền kinh tế giảm đi, còn vốn đổ vào bất động sản lại nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận