Giá đất nông nghiệp tăng, vui ít lo nhiều
Không chỉ đất ở các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng nóng ("Giá đất làm khó nhà đầu tư", Tuổi Trẻ ngày 21-12) mà đất nông nghiệp cũng tăng giá mạnh khiến các nhà đầu tư vỡ trận, không thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
Giá đất nông thôn cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nông sản là quá cao ngay cả với những công ty quy mô lớn. Như vậy, sẽ càng khó hơn cho các cá nhân hay doanh nghiệp muốn khởi nghiệp trong nông nghiệp. Ông PHAN MINH THÔNG
Trong 4-5 năm trở lại đây, đất nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh hay xa hơn là Bình Thuận, Bình Phước, thậm chí là Đắk Nông tăng giá 2-5 lần, thậm chí cả chục lần nên việc tìm mua đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi, với nhiều doanh nghiệp (DN) là bất khả thi.
Ai dám đầu tư mới?
Ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ - cho biết 4-5 năm trước các chủ trại chỉ bỏ ra 400 - 500 triệu đồng là mua được 1ha đất nông nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Phước thì nay giá đất lên khoảng 2 tỉ đồng/ha, có những nơi tăng lên đến 10 tỉ đồng/ha hoặc hơn.
Chỉ tiền mua đất đã ngốn hết toàn bộ vốn đầu tư hạ tầng của cả dự án trước kia nên gần như không DN hay nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra. "Trong 4 năm qua, chỉ có giá heo là tăng lên do bị dịch tả heo châu Phi, còn lại các mặt hàng chăn nuôi khác đều không tăng, thậm chí khó bán. Nếu chi phí đầu tư vào đất tăng nhanh như thế, không ai dám đầu tư mới" - ông Ngọc cho biết.
Theo ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, 3 năm trở lại đây giá đất tăng quá nóng do hệ quả từ các đợt sốt đất ở TP.HCM rồi lan ra vùng ven. Hậu quả là giá thuê hoặc mua đất tăng gấp nhiều lần khiến các công ty rất khó khăn khi về vùng nông thôn mua đất xây dựng nhà máy hay triển khai vùng nguyên liệu.
Từ thực tế của DN, ông Thông đánh giá giá đất nông thôn cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nông sản đã quá cao, ngay cả với DN lớn.
Trước đó, Hiệp hội Môi giới bất động sản VN cũng cảnh báo ở nông thôn, có những nơi mấy năm trước trong làng chỉ vài trăm nghìn nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/m2.
Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của chính các nhà phát triển bất động sản do giải phóng mặt bằng khó khăn. Đã có DN lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư.
Lo những trường hợp như Tây Ninh
Theo Công ty Savills VN, do quỹ đất ở các trung tâm công nghiệp hiện hữu ngày càng khan hiếm, xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp như Tây Ninh, Vĩnh Long...
Một cán bộ quản lý ở Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng việc phải ban hành bảng giá đất mới có nhiều lý do, một phần do giá thị trường tăng nhanh, khi bảng giá đất điều chỉnh theo cũng sẽ tăng được thu ngân sách... Tuy nhiên, vấn đề này cần chiến lược giải quyết hài hòa. Bởi như Hà Nội hay Tây Ninh ngay khi ban hành giá đất mới, xu hướng thị trường là giá tiếp tục được tăng lên.
Với những địa phương có sẵn lợi thế thu hút đầu tư, DN có thể chấp nhận. Nhưng rất lo cho những trường hợp như Tây Ninh mới nổi lên thu hút đầu tư. Vừa có một số dự án, dự kiến triển khai một số tuyến đường nhưng chi phí mặt bằng đã tăng vọt.
Tây Ninh thu hút được nhà đầu tư vào khu du lịch Núi Bà Đen, kéo giá đất nhiều nơi tăng vì lý do này. Nhưng nhìn lại, ngoài cáp treo Núi Bà Đen, hiện gần như không có chuỗi dịch vụ du lịch đi kèm như phố mua sắm, ẩm thực, các dịch vụ đủ để hút khách về... Với khung giá vừa được nâng quá cao giai đoạn 2020 - 2024, Tây Ninh có thể vuột mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư.
Đồng tình và đánh giá cao ý kiến của ông Nguyễn Thanh Ngọc - chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - về việc cần xem lại quy định, tránh tình trạng cò đẩy giá rồi phải đền bù giá sát thị trường, đặc biệt là UBND tỉnh Tây Ninh tính rà soát bảng giá đất, theo một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu khung giá đất đã ban hành quá cao, không phù hợp, các tỉnh thành cần đánh giá và điều chỉnh. Nếu không, khung giá đất cao có thể ảnh hưởng xấu đến cả giai đoạn 5 năm phát triển, khiến địa phương chỉ được một đồng từ giá đất tăng, lại mất mười đồng vì nhà đầu tư rút lui, nhiều ngành bị ảnh hưởng... Nhất là đất nông nghiệp, nếu cứ tăng giá mạnh, dòng vốn không về, nông thôn sẽ không thể phát triển vì không thể chỉ bán đất mãi được.
Như Tây Ninh, vị này cho rằng nếu khung giá đất cứ giữ như hiện nay, lại không có thêm cơ chế, chính sách đặc biệt nào để thu hút đầu tư, Tây Ninh rất có thể sẽ phải chứng kiến sự thu hẹp quy mô, thậm chí quay lưng bỏ đi của nhiều DN lớn. Vì vậy, thay vì "bóp" ngay từ tiền đất, vị này cho rằng nên ưu tiên thu hút DN, họ kinh doanh, nộp thuế, hướng phát triển này bền vững hơn.
Từ đó, ông Phan Minh Thông nhấn mạnh giá đất sản xuất nông nghiệp tăng là rào cản lớn cho thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến sâu trong nông nghiệp của VN thời gian tới.
Nhu cầu bất động sản công nghiệp tiếp tục gia tăng
Theo Công ty Savills VN, trong 3 năm vừa qua, bất động sản công nghiệp VN nhận được nhiều sự quan tâm. Bên cạnh ưu thế từ các hiệp định thương mại, yếu tố chi phí lao động và thuế quan, thành công trong kiểm soát COVID-19... đang tiếp tục giúp VN trở thành điểm đến sáng giá trong làn sóng dịch chuyển của các DN nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Trong đó, các khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Các công ty đa quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như hàng điện tử, trước áp lực phải cắt giảm chi phí, có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang VN và các nước Đông Nam Á khác. Nếu tận dụng tốt xu hướng này sẽ thúc đẩy các địa phương phát triển và tham gia chuỗi cung ứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận