Giá đất khu Đông TP.HCM 'nhảy múa' trước tin phê duyệt thành lập TP. Thủ Đức
Ngay khi Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, giá đất ở khu vực này bắt đầu "nhảy múa".
Đồng ý chủ trương lập TP. Thủ Đức
Tối 17/8, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về đề án không tổ chức HĐND phường ở TP.HCM và đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.
Đánh giá về tác động của Đề án, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&B DKRA Việt Nam nhìn nhận, việc thành lập thành phố thuộc TP.HCM sẽ trở thành một động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường bất động sản TP.HCM nói chung và khu Đông TP.HCM nói riêng.
Theo ông Hoàng, tác động rõ nét nhất của việc thành lập TP Thủ Đức là việc đầu tư quy hoạch, hạ tầng giao thông - xã hội, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… sẽ có nhiều thay đổi để tạo điều kiện thuận tiện và tích cực hơn cho cư dân và doanh nghiệp tại thành phố mới này.
Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực này lên một tầm cao mới, vượt hẳn so với mặt bằng chung của toàn TP.HCM và xứng tầm vị trí thành phố quốc tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn xây dựng TP Thủ Đức không thể loại trừ khả năng một số cá nhân hoặc chủ đầu tư lợi dụng thông tin để tăng giá bất động sản dù mức đầu tư không tương xứng với mức giá, góp phần tạo nên những tác động tiêu cực đến mặt bằng giá bất động sản chung của cả khu vực.
Giá đất "nhảy múa" sau một đêm
Trong năm 2020, dù thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên giá bất động sản khu Đông vẫn tăng. Nguyên nhân chính liên quan tới Đề án thành lập TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, những năm qua, khu Đông TP.HCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TP.HCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.
Không phải đến hiện tại, mà ngay từ khi có đề xuất lập đề án, giá bất động sản tại 3 quận huyện này liên tục "nhảy múa". Nhưng bất ngờ hơn, hôm nay, giá đất khu vực này tăng phi mã chỉ sau một đêm.
Cách đây khoảng một tháng, chúng tôi liên hệ nhân viên này và hỏi về giá đất trên đường Lương Định Của (phường An Khánh, Quận 2). Thời điểm đó, nhân viên này cho biết đất tại đây có giá giao động từ 250 - 300 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến hôm nay, cũng tại vị trí cũ, giá đất đã "nhảy lên 300 - 350 triệu đồng/m2.
Theo nhân viên này, dù giá có biến động, nhưng so với tình hình chung thì "còn tăng quá ít" vì đang trong mùa dịch.
Theo khảo sát của PV, hiện đất thổ cư tại quận Thủ Đức và Quận 9 có giá thấp nhất là 45 triệu đồng/m2, cao nhất có thể lên tới 350 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí.
Tại Quận 2, đường Song Hành hiện có giá từ 350 triệu/m2, đường Lương Định Của có giá từ 300 triệu/m2, đường Trần Não có giá từ 390 triệu/m2… đây là những tuyến đường trực tiếp nối vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đối với loại hình căn hộ, có xu hướng tăng giá thứ cấp so với đầu năm tuy nhiên không đáng kể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận