Giá cổ phiếu MPC liên tục "nằm sàn" vì đâu?
Đóng cửa giao dịch phiên ngày 6/6, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) giảm sâu còn 33.900 đồng/cổ phiếu.
Đây là phiên thứ 10 liên tiếp cổ phiếu của một trong những tập đoàn xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới đã giảm hơn 30% sau khi chuyển nhượng vốn cổ phần cho đối tác ngoại và thông tin cáo buộc tránh thuế bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ. Riêng ngày 4-5/6, giá cổ phiếu MPC giảm 10% từ mức giá 36.700 đồng rớt về mức 33.500 đồng/cổ phiếu.
Vừa qua, Quốc hội Mỹ kêu gọi Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) điều tra về cáo buộc cho rằng MPC mua tôm Ấn Độ và chế biến dán nhãn mác Việt Nam xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế chống bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.
Được biết, năm 2005 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác nhưng trong tháng 7/2016 MPC đã bị loại khỏi danh sách này.
Tính đến thời điểm này, MPC không bị buộc phải cung cấp thông tin và dữ liệu về sản xuất cho DOC và không chịu sự kiểm tra hàng năm của các quan chức DOC Mỹ về tôm xuất khẩu sang thị trường này.
Theo số liệu từ sàn HNX và báo cáo tài chính đã công bố, kể từ MPC bị loại bỏ ra khỏi danh sách áp thuế chống bán phá giá, tập đoàn này đã có nhiều đơn hàng lớn xuất khẩu sang Mỹ thông qua Mseafood để tận dụng lợi thế không bị áp thuế.
Ông Nguyễn Thành An-Nhà đầu tư trên sàn ACBS cho rằng, nếu MPC không có xác nhận phản hồi về thông tin này sớm sẽ gây bất lợi cho MPC và đặc biệt các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn này. Giá cổ phiếu MPC tiếp tục giảm mạnh không phanh trong các phiên giao dịch gần đây…
Từ vụ việc của MPC, bà Nguyễn Hồng Nhung- Trưởng VP Luật sư Hồng Nhung cho biết, đây thực sự là một vấn mà cả cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam cần phải xem xét rút kinh nghiệm, trước tình trạng đưa hàng hoá, nông thuỷ sản của các nước khác gắn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bởi Việt Nam đang được hưởng mức thuế thấp nhất. Nếu điều tra của DOC đưa ra kết luận chính xác sự việc này thì MPC sẽ mất hết cơ hội vì đã có hành vi gian lận khi xuất khẩu hàng thuỷ sản vào Mỹ.
Đây sẽ là thiệt hại rất lớn không chỉ cho cổ đông, mà cả nhà đầu tư đang sở hữu cổ phần tại MPC. Nhìn xa hơn thì DOC sẽ siết mạnh và kiểm soát gắt gao hơn khi hàng thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này và thiệt hại đầu tiên sẽ rơi vào MPC vì đây là doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu vào thị trường Mỹ… Nếu những đơn hàng của MPC xuất sang thị trường này bị từ chối, chắc chắn MPC sẽ phải đối mặt với sự phá sản bởi 90% hàng tôm đông lạnh của Công ty này có được từ thị trường khó tính này.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đây mới chỉ là thông tin chưa xác nhận chính thức từ DOC . Do vậy, lúc này MPC nên rà soát lại thông tin, sớm có văn bản gửi các cơ quan hữu quan trong nước để lên kế hoạch phản ánh thông tin kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến MPC nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành nói chung…
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 cho thấy doanh thu của Minh Phú tăng hơn 10% lên 3.400 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty dự kiến sản lượng đạt 77.400 tấn, tương đương 850 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Riêng chế biến xuất khẩu tôm vào thị trường chính là Mỹ sẽ mang về 2.000 tỷ đồng trước thuế cho MPC.
Ngoài ra, sau khi thử nghiệm công nghệ nuôi tôm mới, lợi nhuận nuôi tôm dự kiến đóng góp thêm 300 tỷ đồng trước thuế. Tổng cộng, lãi trước thuế năm 2019 mà MPC kỳ vọng là 2.300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản MPC là 8.473 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu MPC đạt 3.211 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 1/2019 là 1.513 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận