Giá cà phê tăng vọt vì thời tiết sương giá ở Brazil
Giá cà phê arabica tăng lên mức cao nhất trong 7 năm sau khi các vùng trồng cà phê ở Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trải qua các đợt sương giá nghiêm trọng với nhiệt độ lạnh nhất trong hơn 25 năm qua, đe dọa sản lượng trong vụ mùa năm sau.
Trong tuần này, thời tiết băng giá xuất hiện ở vành đai cà phê của Brazil, làm dấy lên lo ngại sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm trong vụ thu hoạch vào năm sau, đẩy giá cà phê tăng vọt.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê arabica kỳ hạn ở thị trường New York, tăng lên mức 2 đô la Mỹ /pound (0,454kg), cao chưa từng thấy kể từ tháng 10-2014, sau khi nhiệt độ suy giảm sâu ở 3 vùng trồng cà phê lớn nhất của Brazil gồm Paraná, São Paulo và Minas Gerais.
Hôm 20-7, nhiệt độ ở Minas Gerais giảm xuống dưới mức 0 độ C, thấp nhất kể từ năm 1994. Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn ở thị trường London cũng chạm mức 1.993 đô la/tấn, cao nhất trong gần 4 năm qua.
Giá cà phê arabica đã tăng hơn 30% trong tuần này và tăng 60% kể từ đầu năm. Đà tăng giá này có thể tác động đến túi tiền của những người ghiền cà phê vì các công ty rang xay cà phê và các siêu thị bao gồm chuỗi cửa hàng cà phê Tchibo ở Đức và Công ty sản xuất đồ uống cà phê UCC ở Nhật Bản bắt đầu tăng giá bán.
Các thương nhân cho biết thời tiết sương giá ở Brazil nghiêm trọng hơn dự báo với nhiệt độ ở nhiều vùng xuống dưới mức 0 độ C và có thể làm tổn thất 3-5 triệu bao cà phê (mỗi bao tương đương 60kg) trong niên vụ năm sau.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu trong năm 2021 sẽ lần đầu tiên vượt mức sản lượng kể từ năm 2017, với khoảng 165 triệu bao cà phê được tiêu thụ, trong khi đó, sản lượng chỉ đạt 164,8 triệu bao. USDA cho biết tồn kho cà phê của Brazil vào cuối niên vụ này sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 1960. Tồn kho cà phê chưa rang của Mỹ cũng giảm 18% so với cách đây 1 năm. USDA dự báo sản lượng cà phê arabica của Brazil trong năm nay sẽ giảm gần 15 triệu bao so với năm ngoái nhưng Ngân hàng Rabobank dự kiến mức giảm có thể lên đến 17 triệu bao. |
Tình trạng thời tiết lạnh giá diễn ra sau khi Brazil chứng kiến cơn hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ trong nửa đầu năm 2021, vốn đã làm cho cây cà phê yếu ớt. Hạn hạn khiến nhiều cánh đồng cà phê khô cháy và làm cạn các hồ trữ nước phục vụ tưới tiêu.
“Thiệt hại do thời tiết sương giá ở Brazil nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng tôi có thể hình dung và có thể dẫn đến triển vọng ảm đạm hơn cho sản lượng cà phê trong niên vụ 2022-2023”. Kona Haque ,nhà phân tích ở Công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp ED&F Man, nói.
Giới phân tích đã điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Brazil giảm 5-10% cho niên vụ năm sau dù mức thiệt hại có thể lớn hơn.
Carlos Mera, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank cho rằng nếu mức thiệt hại quá lớn, nông dân Brazil sẽ buộc phải cắt tỉa cây cà phê dẫn đến sản lượng giảm sâu hơn nữa. Một phần đáng kể cây cà phê ở hai vùng South Minas và Mogiana sẽ bị cắt tỉa và điều này có nghĩa là không có vụ thu hoạch nào vào năm sau.
Cho dù cây cà phê không bị tỉa cành, thời tiết sương giá cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình ra hoa cho vụ mùa năm tới, gây thêm bất ổn cho thị trường cà phê. Hơn nữa, những cây cà phê non yếu ớt cũng cần phải thay thế, khiến sản lượng cà phê của Brazil có thể suy giảm trong 3-4 năm tới.
Các cơ quan khí tượng dự báo một đợt sương giá nữa sẽ xảy ra ở Brazil vào tuần sau và các thương nhân trong ngành cà phê dự báo giá cà phê có thể biến động mạnh hơn nữa.
Francisco Cesar Di Giacomo, một nông dân ở vùng Minas Gerais, cho biết thời tiết sương giá đã ảnh hưởng đến 60% diện tích cà phê của ông. Ông cho hay: “Một số khu vực thuộc nông trại cà phê của tôi bị héo cháy toàn bộ”
Thời tiết sương giá có thể làm héo lá và cành cây cà phê, làm giảm triển vọng sản lượng trong vụ thu hoạch vào năm sau.
Tại các khu vực phía bắc của São Paulo và khu vực Triangulo Mineiro, ở Minas Gerais, độ ẩm của đất chỉ ở mức 20%, thấp hơn mức cần thiết 60% để giúp cây cà phê phát triển tốt, theo Cơ quan khí tượng Rural Clima. Có những dấu hiệu sản lượng cà phê robusta của Brazil cũng sẽ suy giảm trong niên vụ này. Cà phê robusta được Nestle sử dụng ở các thương hiệu cà phê uống liền Nescafe, còn cà phê arabica được Starbucks phổ biến trong các sản phẩm của công ty này.
Trong khi đó, các đợt hạn hán có thể nghiêm trọng hơn nếu như hiện tượng thời tiết La Nina quay trở lại Brazil trong những tháng tới. Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ cho biết xác xuất mẫu hình thời tiết cực đoan này quay trở lại ở châu Mỹ trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 10 là 45% và trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 là 62%.
Hernando de la Roche, Phó Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính StoneX Financial, cảnh báo sự trở lại của hiện tượng La Nina có thể tạo thêm động lực tăng giá mới đối với cà phê. Những khách hàng mua cà phê đang lo nhiều nông dân và nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil sẽ phá vỡ hợp đồng để đòi hỏi giá mua cao hơn.
Theo Financial Times, Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận