GDP sẽ chạm đáy trong quý II và phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối 2020
Nhóm nghiên cứu VnDirect cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chạm đáy trong quý II/2020 và phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020.
Tại báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô - Phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19" công bố mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4,5%.
"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chạm đáy trong quý II/2020, và phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020, khi việc mở cửa của các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU vào cuối quý II có thể gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam có thể tăng tốc đầu tư công trong nửa cuối năm 2020", báo cáo VnDirect nêu.
Nhóm nghiên cứu VnDirect đã chỉ ra những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong thời gian qua, đó là sự tăng trưởng trở lại của ngành du lịch, dịch vụ; ngành công nghiệp dù chưa thực sự có những biến động lớn nhưng đã có dấu hiệu 'hồi sinh'; lạm phát tiếp tục xu thế giảm...
Ngành dịch vụ có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5
Ngành dịch vụ ghi nhận sự phục hồi trong tháng 5 sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 23/4. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước lên mức 384.817 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng bán lẻ tăng 17,3% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ ăn uống tăng mạnh 95,8% so với tháng trước nhưng vẫn giảm đến 33,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi Covid-19, đã tăng mạnh 782,4% so với tháng trước sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại ngành du lịch nội địa.
Hơn nữa, lưu lượng qua các cảng hàng không trong tháng 5/2020 đạt 2,9 triệu hành khách, tăng 15,3 lần so với tháng 4/2020, mặc dù vẫn giảm 70% so với tháng 5/2019. Trong đó bao gồm 2,8 triệu hành khách nội địa (-57% so với cùng kỳ 2019) và 78.000 hành khách quốc tế (-98% so với cùng kỳ 2019).
Ngành công nghiệp phục hồi khiêm tốn
Theo Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) trong tháng 5/2020 tăng 11,2% so với tháng trước nhưng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5/2020 đã tăng lên 42,7 điểm từ mức thấp kỷ lục là 32,7 điểm trong tháng trước (lưu ý rằng PMI thấp hơn 50 điểm cho thấy sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất).
Nguyên nhân sự phục hồi tương đối chậm của ngành công nghiệp chủ yếu là do lực cầu từ các thị trường bên ngoài còn yếu trong bối cảnh nhiều nước vẫn còn duy trì giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Lạm phát tiếp tục xu thế giảm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,9% so với cùng kỳ của tháng 4/2020, và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019.
So với tháng trước, CPI tháng 5/2020 tương đối ổn định do mức giảm của CPI nhóm giao thông (-2,2% so với tháng trước) đã bù đắp cho mức tăng trong các nhóm khác như thực phẩm (+0,34% so với tháng trước), đồ uống và thuốc lá (+0,25% so với tháng trước), nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,25% so với tháng trước).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã bơm ròng gần 120.000 tỷ đồng vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong tháng 5. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế duy trì ở mức thấp khi dữ liệu của SBV cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu tháng 5 thấp hơn sv thời điểm cuối tháng 4.
"Điều đó dẫn đến dư thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và khiến lãi suất vay qua đêm cuối tháng 5 về mức 0,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Chúng tôi kỳ vọng SBV sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có thể giảm 0,25 - 0,5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020", nhóm nghiên cứu VnDirect cho hay.
Trên cơ sở đó, VnDirect kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chạm đáy trong quý II/2020, và phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020, đồng thời, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận