24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

GDP 2021 dự kiến tăng 6%

Các chỉ tiêu phát triển KTXH 2021 đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội, trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế đáng chú ý như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020; Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo "Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021" của Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung năm 2020 có nhiều điểm sáng, đã hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong đó, 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Về tăng trưởng, quy mô GDP tiếp tục tăng nhưng giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và bình quân giai đoạn 2016-2020.

Số liệu của báo cáo nêu rõ, năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 263 nghìn tỷ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500 nghìn tỷ đồng so với năm 2018).

GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD); tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%);...

Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục trong năm 2020, cụ thể là: chất lượng đầu tư công hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chậm, công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ, nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng, cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, thuận lợi, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt kế hoạch; xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém còn chậm. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi tăng...

Về kế hoạch năm 2021, Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động tiêu cực của tình hình thế giới và những hạn chế, bất cập nội tại; nguồn lực hạn hẹp, trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng...

Mục tiêu Chính phủ xác định trong năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước...

Chính phủ dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, trong đó GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội: Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5% so với năm 2020…

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021

Các chi tiêu chủ yếu về kinh tế

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020.

- Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.

Các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường

- Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.

- Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

(Nguồn: Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến năm 2021, ngày 16/10 của Chính phủ gửi Quốc hội)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả