Gạo Trung An giảm kế hoạch lợi nhuận 2022 từ 600 tỷ đồng về 110 tỷ đồng
HĐQT cũng đề xuất huy động 500 tỷ đồng để đầu tư M&A các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng về ngành nông lâm ngư nghiệp hoặc ngành y tế.
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Cuộc họp sẽ tổ chức ngày 27/6.
HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ thông qua nới room – nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung An từ 0% lên 49%. Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất huy động 500 tỷ đồng để đầu tư M&A các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng về ngành nông lâm ngư nghiệp hoặc ngành y tế. Địa điểm thực hiện dự án là khu vực phía nam, miền đông/tây nam bộ.
Trung An là doanh nghiệp chuyên gia công xay xát và chế biến gạo xuất khẩu. Về kế hoạch kinh doanh năm nay, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,2% và 13,8% so với thực hiện cùng kỳ. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận này thấp hơn 81,7% so với con số 600 tỷ đồng mà HĐQT từng đề ra vào tháng 1. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 10% bằng cổ phiếu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ảnh: TAR.
Về mục tiêu phát triển tại thị trường nội địa, Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic, với sản phẩm chính là gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An. Đối với thị trường xuất khẩu, Trung An sẽ phát triển đẩy mạnh từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu tại các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…
Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.
Năm ngoái, doanh thu đạt 3.120,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 15,7% so với cùng kỳ. Theo đó, công ty hoàn thành 89,1% kế hoạch doanh thu và 92,1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế mà ĐHĐCĐ đề ra tại cuộc họp thường niên 2021.
Theo báo cáo của HĐQT, nguồn thu từ thị trường nội địa chiếm tới 81,2% cơ cấu doanh thu năm ngoái. Song, về thị trường xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu năm 2021 tăng trưởng về kim ngạch so với năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 47,4% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu.
HĐQT đánh giá gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, trong khi nhiều mặt hàng nông sản bị sụt giảm về xuất khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đặc biệt nhu cầu gạo thế giới tăng cao khi nhiều quốc gia thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ những thuận lợi từ thị trường, các doanh nghiệp thương mại gạo Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu, trong đó có Trung An.
Cơ cấu doanh thu năm 2021. Ảnh: TAR.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm trước, công ty sẽ phát hành 7,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm ngoái. Tỷ lệ thực hiện 10%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được một cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC riêng năm 2021 đã được kiểm toán.
Tại đại hội, HĐQT báo cáo về tình hình sử dụng 450 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu, giá 18.000 đồng/cp, tỷ lệ 54,11%. Đợt phát hành này đã hoàn thành trong tháng 1 năm nay, vốn điều lệ công ty sau phát hành tăng từ 462 tỷ đồng lên 712 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp đã sử dụng toàn bộ số tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng, thời điểm giải ngân từ quý I đến quý II. Trong đó, 287,1 tỷ đồng trả cho Sacombank – chi nhánh Cần Thơ, 88.6 tỷ đồng trả cho VPBank – chi nhánh Cần Thơ, và 74,2 tỷ đồng trả BIDV – chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cổ đông năm nay sẽ miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Phạm Trần Thuỳ An theo thư từ nhiệm từ ngày 1/6, và bầu thay thế một người mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận