Gạo ngon nhất thế giới ST25 do quân đội sản xuất đã có mặt trên thị trường
Tại vùng nguyên liệu nguyên liệu 30.000 ha sản xuất lúa an toàn, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ vi sinh GAET – Âu Lạc và thực hiện theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã thử nghiệm gieo trồng thành công giống lúa ST25 - gạo đoạt giải ngon nhất thế giới.
Sắp tới Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) sẽ đưa sản phẩm đặc biệt này phục vụ thị trường trong và ngoài quân đội.
Đi tìm lời giải cho bài toán chuỗi giá trị được đề cập đến tại Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đầu năm 2019, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Âu Lạc, Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) và Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã ký Biên bản ghi nhớ về xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo nội địa, với mục tiêu đến cuối năm 2020 quy hoạch vùng nguyên liệu 30.000 ha sản xuất lúa an toàn, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ vi sinh GAET – Âu Lạc và thực hiện theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Xác định sản phẩm lúa gạo an toàn sẽ là nguồn lương thực an toàn ổn định cho lực lượng quân đội. GAET sẽ là đơn vị tiên phong trong định hướng chủ động nguồn lương thực cho toàn quân. Phát huy tinh thần "người lính trên mặt trận kinh tế", Tổng Công ty GAET đang triển khai nghiên cứu hỗ trợ nông dân đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch. Ứng dụng sản xuất phân hữu cơ vi sinh thế hệ mới, chế phẩm vi sinh đa năng phục vụ nông nghiệp an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị, góp phần đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, mang lại ý nghĩa thiết thực trongviệc giữ vững ổn định chính trị, củng cố Quốc phòng an ninh, gắn với thế trận quốc phòng, quân sự địa phương.
Hiện nay, chương trình đang thực hiện mô hình tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Những hộ nông dân tham gia mô hình chuỗi lúa gạo an toàn ứng dụng công nghệ vi sinh GAET – Âu Lạc sử dụng phân vi sinh GAET – Âu Lạc, cây lúa miễn dịch với sâu bệnh, tiết kiệm được 30 - 40% phân bón hóa học, giảm 2 - 3 lần phun thuốc trừ sâu bệnh, tiết kiệm so với phương pháp canh tác thông thường sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha.
Sản phẩm làm ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường kết hợp với GAET sẽ thu mua cao hơn giá thị trường từ 50 - 150 đồng/kg. Đặc biệt, vụ Đông Xuân này, tại vùng nguyên liệu GAET - Âu Lạc quy hoạch ở huyện Châu Thành tỉnh An Giang, năng suất đạt 7,9 tấn/ha, cao nhất trong lịch sử trồng lúa của người dân ở đây. Sau chế biến, hạt lúa cho ra thành phẩm hạt gạo đạt tỷ lệ cao, hạt trong, chắc.
Khi trực tiếp tham quan thực địa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, khẳng định: Đây là mô hình kiểu mẫu điển hình của cả nước về quy mô cho đến tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện. Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác trong những năm tới.
Đặc biệt, tại vùng nguyên liệu quy hoạch, Chuỗi đã thử nghiệm gieo trồng thành công giống lúa ST25 - gạo đoạt giải ngon nhất thế giới. Sắp tới Tổng Công ty GAET sẽ đưa sản phẩm đặc biệt này phục vụ thị trường trong và ngoài quân đội. Hy vọng, trong thời gian không xa chuỗi giá trị lúa gạo an toàn do Cục Kinh tế hợp tác - Bộ NN&PTNN và Tổng Công ty GAET xây dựng sẽ là mô hình kiểu mẫu trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Trên thực tế, khách hàng quốc tế chưa đánh giá cao và tin tưởng hàng Việt bởi chất lượng chưa đồng bộ. Đối với mặt hàng gạo, mặc dù Việt Nam có rất nhiều loại gạo ngon, chất lượng cao nhưng do chưa có sự chuẩn bị, đầu tư đủ lớn để chinh phục lòng tin của người tiêu dùng quốc tế và trong nước. Do đó, việc chung tay cùng nhau nhân rộng các giống lúa chất lượng cao như ST25 không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn nâng tầm thương hiệu cho hạt gạo Việt, phát triển theo chuỗi giá trị bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nông nghiệp hữu cơ là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc bảo quản… sản xuất từ các nhà máy hóa chất. Vì sản xuất theo cách tự nhiên, nên nền nông nghiệp hữu cơ được cho là lành mạnh, giúp giữ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm sức khỏe cho con người và vật nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận