Gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị với kết quả giải ngân vốn ODA
Những vướng mắc trong quá trình trình thi công, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn ODA trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong giai đoạn 2016 -2020, Bộ Giao Thông Vận tải có 66 dự án ODA. Tổng nhu cầu bố trí vốn cho giai đoạn này là 113.962 tỷ đồng. Tính từ đầu giai đoạn đến hết tháng 6/2019, các dự án ODA của Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 58.343 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 51.310 tỷ đồng, vốn đối ứng là 7.033 tỷ đồng.
Riêng năm 2019, các dự án do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý được giao vốn nước ngoài 14.789 tỷ đồng và 3.354 tỷ đồng vốn đối ứng. Trên cơ sở tiến độ các dự án, các dự án ODA của Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 6 tháng đạt khoảng 1.680 tỷ đồng, đạt 27,04% kế hoạch giao, trong đó: vốn nước ngoài giải ngân 794 tỷ đồng, đạt 17,63% kế hoạch giao; vốn đối ứng giải ngân 886 tỷ đồng, đạt 51,84% kế hoạch giao.
Lý giải nguyên nhân giải ngân chưa đạt như dự kiến, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, một số dự án đang trong giai đoạn quyết toán cần hoàn thiện một số thủ tục trước khi tiến hành giải ngân. Ví dụ như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án WB5 - phát triển cở sở hạ tầng Đồng bằng Sông Cửu Long, hợp phần quốc lộ quyết toán giải phóng mặt bằng; Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai phần các cầu đã thực hiện; Dự án đường hành lang ven biển phía Nam; Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông – DATP1,2,3…
Bộ Giao thông Vận tải cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án; vướng mắc trong quá trình thi công… Bên cạnh đó, một số dự án phải triển khai các thủ tục điều chỉnh theo quy định. Chẳng hạn như Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hỉa Phòng (hợp phần A); Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông…
Hay đối với các dự án do VEC, ACV và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đã đăng ký nhu cầu kế hoạch năm 2019 là 3.752 tỷ đồng. "Tuy nhiên, hiện các dự án này chưa được giao kế hoạch do vướng mắc quy định của Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UB Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án của VEC vướng quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội “Chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC” – ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh toán để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch giao của từng dự án. “Bộ Giao thông Vận tải cũng gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị về kết quả giải ngân; đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm báo cáo cấp có thẩm quyền giao phần kế hoạch năm 2019 (lần 2) cho Bộ Giao thông Vận tải, bởi việc giao muộn kế hoạch 2019 sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải do các tháng cuối năm là mùa mưa.
Đối với các dự án do các Tập đoàn, TCty chuyển về UB Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét việc giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm cho Bộ Giao thông Vận tải hay UB Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp để các dự án sớm có nguồn vốn triển khai theo kế hoạch. Trong quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các Bộ liên quan sớm xử lý các phát sinh theo kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ra soát kết quả giải ngân hàng tháng giữa Bộ Giao thông Vận tải và Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính để thống nhất kết quả giải ngân trước kỳ họp Chính phủ thường kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tiến độ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài rất chậm. Ước lũy kế giải ngân vốn nước ngoài dành cho cấp phát đầu tưphát triển được 2.050 tỷ đồng đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao (7,16% kế hoạch vốn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao); Chi thường xuyên: 833 tỷ đồng đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt; Cho vay lại đối với chính quyền địa phương: khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công: 7.664 tỷ đồng đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận