FWD Việt Nam kinh doanh bết bát, lỗ khủng hơn 5.800 tỷ đồng
Dù có lãi 290 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2024, FWD Việt Nam vẫn đang lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng.
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2024, kết thúc tại ngày 30/6.
Theo đó, nửa đầu năm nay công ty ghi nhận 1.960 tỷ đồng từ doanh thu thuần trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản thu khác gồm thu từ hoạt động tài chính mang về 424 tỷ đồng (+19%) gồm thu nhập từ lãi đầu tư trái phiếu, thu lãi tiền gửi, thu lãi kinh doanh chứng khoán, cổ tức và thu từ đánh giá lại khoản đầu tư.
Đáng chú ý, khoản thu khác của FWD Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 366 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, công ty cũng ghi nhận khoản chi bồi thường 370 tỷ đồng cùng hàng nghìn tỷ đồng các khoản chỉ khác.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của công ty 6 tháng đầu năm chỉ đạt 291 tỷ đồng, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với việc ưu tiên mở rộng thị phần, công ty liên tiếp thua lỗ kể từ 2015 đến hết 2022, đến giữa năm FWD vẫn đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 5.815 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của FWD Việt Nam. |
Trong nửa đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FWD quay đầu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.032 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ.
Được biết, loại hình bảo hiểm ghi nhận doanh thu tụt sâu nhất là bảo hiểm liên kết chung (giảm 19,5% xuống 1.396 tỷ đồng) và bảo hiểm liên kết đơn vị (giảm 72,3% xuống 68 tỷ đồng).
Ngoài ra, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng 4,5%, chủ yếu do tăng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc. Bên cạnh đó, lãi thuần hoạt động tài chính của FWD tăng trưởng 16% lên 397 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, kết quả tích cực này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng trong lãi thu từ tiền gửi và lãi thu từ đầu tư trái phiếu và bán cổ phiếu.
FWD vẫn đang còn khoản lỗ lũy kế lên tới 5.815 tỷ đồng. |
Những mảng kinh doanh khác của FWD đạt mức tăng trưởng tới 191%, đem về 210 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo tài chính, kết quả đột biến này do thu nhập từ kênh phân phối đạt 363 tỷ đồng, tăng trưởng 384% so với cùng kỳ.
Yếu tố chính giúp FWD có lợi nhuận tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024 là việc cắt giảm mạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Chi phí bán hàng trong hai quý đầu năm của FWD chỉ ở mức 662 tỷ đồng, giảm 42,5% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được giảm 10% xuống 460 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mức chi cho nhân viên thấp hơn và giảm chi dự phòng nợ khó đòi.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của FWD ở mức 20.441 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm thuộc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có quy mô trung bình. Vốn điều lệ của công ty thuộc top dẫn đầu, đạt 19.102 tỷ đồng vào ngày 30/6/2024, chỉ xếp sau Manulife.
Danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của FWD có quy mô tương đối nhỏ nếu so với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương tự. |
Đến ngày 30/6, giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn của FWD là 3.564 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cuối 2023. Trong đó, phần lớn là tiền gửi (2.814 tỷ đồng) và khoản đầu tư thuộc quỹ liên kết đơn vị, chủ yếu bao gồm cổ phiếu niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp. Cuối quý II/2024, FWD nắm gần 195 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, chiếm tỷ trọng tương đối thấp trong danh mục đầu tư.
Trong khi đó, tổng danh mục đầu tư tài chính dài hạn của FWD đã tăng trưởng 47,4% lên 8.686 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu được phân bổ vào tiền gửi có kỳ hạn (6.132 tỷ đồng) và trái phiếu (2.554 tỷ đồng). Vào cuối quý II/2024, công ty đang nắm 1.740 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, ngang bằng với thời điểm cuối 2023.
Tính đến cuối quý II/2024, FWD có 482 nhân viên, giảm 43 người so với thời điểm cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, tổng chi phí nhân viên của FWD là 314,5 tỷ đồng. Từ con số này, có thể ước tính rằng trung bình mỗi tháng, công ty chi hơn 104 triệu đồng cho mỗi nhân viên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận