“Fintech, Bigtech từng bước cạnh tranh với ngân hàng”
Trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là NHTM đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các nhà mạng viễn thông, điện tử, CNTT (Telcos, Bigtech).
Sáng nay (14/6) tại Hà Nội, BizLIVE tổ chức tọa đàm truyền thông với chủ đề “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”.
Mở đầu toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính trong bài tham luận “Ngân hàng số tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp” cho biết, khái niệm ngân hàng số thường bị nhầm lẫn với khái niệm số hoạt hoạt động ngân hàng truyền thống. Theo cách hiểu số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống, các ngân hàng sẽ số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu. Tuy nhiên, cách hiểu này là không đủ.
“Ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có”, ông Lực nhấn mạnh.
Các nội dung số hoá ngân hàng theo ông Lực là: Sự tích hợp đồng nhất các kênh phân phối: Đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong đó, giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, đảm bảo trải nghiệm khách hàng được ổn định. Có sự kết nối, liên thông giữa kênh quầy và các kênh số (ngân hàng điện tử). Đặc biệt là việc: (1) hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, (2) phát triển sâu sản phẩm theo hành trình khách hàng và (3) chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm. Tất cả công việc này nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới – trải nghiệm vượt trội, bằng cách thay đổi phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngân hàng.
Tự động hóa các quy trình: Hướng đến tự động hóa trong nhiều lĩnh vực: Tương tác với khách hàng, tác nghiệp, quản lý rủi ro, ra quyết định. Ví dụ trí tuệ nhân tạo và Chat bot hỗ trợ công tác giải đáp thắc mắc, tra cứu thông tin của khách hàng. Công nghệ Robotics giúp việc đọc số liệu và nhập liệu thay con người...
Đổi mới sáng tạo (Innovation & Disruption): Tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo, thuận tiện cho khách hàng. Thí dụ trợ lý ảo – giao dịch bằng giọng nói, thanh toán không tiếp xúc (QR code, NFC...), ví điện tử, chuyển tiền bằng công nghệ blockchain. Các công nghệ thường được ứng dụng như Bigdata, trí tuệ nhân tạo, blockchain, robotics...
Phân tích dữ liệu lớn phục vụ ra quyết định: Khai thác dữ liệu bên trong ngân hàng và bên ngoài ngân hàng để phục vụ kinh doanh. Các fintech có thể phân tích thông tin trên mobile, mạng xã hội viễn thông của người dùng để chấm điểm tín dụng, ra quyết định cho vay. Ngân hàng có thể dùng phân tích hành vi khách hàng, tìm tập khách hàng phù hợp để gửi các thông điệp khuyến mại phù hợp, tăng cơ hôi bán chéo dịch vụ...
Cơ hội đối với ngân hàng số được ông Lực chỉ ra là gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí; Tiếp cận thị trường khách hàng số đầy tiềm năng tại Việt Nam; Tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác (nhất là với các Fintech…); Đi tắt đón đầu trong kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ.
Thách thức đối với ngân hàng số được ông Lực chỉ ra là khung pháp lý: Gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính (fintech, bigtech); Thách thức đối với khả năng bảo mật của hệ thống; Nguồn nhân lực; Đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống Công nghệ thông tin.
Với thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, ông Lực cho biết, các Fintech, Bigtech năng động và từng bước cạnh tranh với ngân hàng. Cụ thể, trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là NHTM đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các nhà mạng viễn thông, điện tử, CNTT (Telcos, Bigtech), chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng.
Trong đó, sản phẩm Ví điện tử là sản phẩm thông dụng nhất và có hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện. Các Fintech cung ứng ví điện tử lâu năm như MoMo, Payoo gần như đã có chỗ đứng trên thị trường, trong khi đó Fintech mới như ZaloPay, hay AirPay (của SEA - Garena) cũng đang xuất hiện và thu hút khách hàng nhanh chóng. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng gần 70 công ty Fintech, với 29 trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép cung ứng ví điện tử.
Nghị Quyết 01, 02 năm 2019 của Chính Phủ cũng đã đưa ra định hướng về phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng, đây sẽ là điều kiện giúp ví điện tử ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các Bigtech tại Việt Nam đang hình thành và đặt ra thách thức rất lớn cho các ngân hàng. Hiện nay, các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam (FPT, Viettel, CMC, VNG, VC Corp...) đã bắt đầu tiếp cận mảng dịch vụ tài chính thông qua phát triển công nghệ thanh toán điện tử và một số dịch vụ khác.
Chuyên gia Lực cũng cho biết, nội dung khác thực trạng ngân hàng số tại VIệt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng đang phát triển song tiềm ẩn rủi ro. Giống như một số nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam.
Cũng theo ông Lực, các NHTM nỗ lực trong chuyển đổi số. “Nếu so sánh với tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới và ngay cả với các fintech tại Việt Nam hiện nay, tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng Việt Nam có lẽ đang chậm hơn khá nhiều”, ông Lực nói.
(F5 để cập nhật)
Nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng đang chứng kiến quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số, cùng hạ tầng và môi trường công nghệ thuận lợi đang kích thích sự bùng nổ số lượng và giá trị giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Những dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đang diễn ra ở hầu hết các kênh giao dịch trên nền tảng các dịch vụ ngân hàng số. Và theo khảo sát của BizLIVE, tại một số ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch, đặc biệt qua kênh điện thoại di động, ghi nhận cấp độ lên tới trên 1.000% chỉ trong một năm qua.
Nhưng, thực tiễn khái niệm “ngân hàng số” và những giá trị xoay quanh vẫn còn những quan điểm, nhìn nhận khác nhau.
Có góc nhìn đơn giản, ngân hàng số là các sản phẩm, dịch vụ tiện ích trên Internet Banking, Mobile Banking, bên cạnh các app ví điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán…
Tuy nhiên, với góc nhìn sâu hơn nữa, ngân hàng số còn là mạch kết nối và thúc đẩy toàn bộ các khối vận hành trong hệ thống ngân hàng thương mại, trong cấu trúc quản trị rủi ro, trong tương tác với nhu cầu và hiện thực hóa nhu cầu của khách hàng.
Trong tương tác đó, những hệ sinh thái khách hàng đã và đang hình thành, cùng những hệ sinh thái tiềm năng. Ngân hàng số mang đến những giải pháp khai thác, thúc đẩy những giá trị đặc thù của những hệ sinh thái đó, hoặc thiết lập những hệ sinh thái mới.
Đó cũng là những nội dung chính mà buổi tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” tập trung phân tích, thảo luận và thông tin tới bạn đọc.
Buổi tọa đàm cũng là diễn đàn để nhìn lại những làn sóng công nghệ từng tạo nên thay đổi mang tính quyết định trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam, cũng như định vị ngân hàng số Việt Nam đang ở đâu trước các xu hướng của tương lai.
Toạ đàm có sự tham gia của: - Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính
- Ông Phạm Đình Vũ, đại diện VCCI
- Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối ngân hàng cá nhân Ngân hàng HDBank
- Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số Ngân hàng VPBank
- Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, VPBank
- Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận